Trong cuộc trò chuyện với Fox News Digital ngày 6/2/2025, khi được hỏi về lời kêu gọi mới nhất của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky về "vũ khí hạt nhân" và "hệ thống tên lửa" từ những người ủng hộ phương Tây của Kiev, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Ukraine và Nga, Keith Kellogg, đã gạt bỏ yêu cầu về vũ khí hạt nhân của Kiev, tuyên bố rằng, điều đó "sẽ không xảy ra".
"Cơ hội họ lấy lại vũ khí hạt nhân của họ là rất mong manh và không có. Hãy thành thật mà nói, cả hai chúng ta đều biết điều đó sẽ không xảy ra", ông Kellogg nói.
“Ý tưởng trang bị vũ khí hạt nhân cho Ukraine đi ngược lại “lẽ thường” và không phải là điều mà chính quyền Trump sẽ cân nhắc”, vị quan chức Mỹ cho biết thêm.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Zelensky, khi nói chuyện với nhà báo người Anh Piers Morgan vào đầu tuần này, cho biết, Ukraine phải được đưa nhanh vào khối NATO do Mỹ đứng đầu hoặc được cung cấp thêm vũ khí để "ngăn chặn Nga".
“Hãy trả lại vũ khí hạt nhân cho chúng tôi, hãy trả lại hệ thống tên lửa cho chúng tôi. Các đối tác, hãy giúp chúng tôi tài trợ cho một đội quân một triệu người, triển khai quân đội của các bạn đến những khu vực của đất nước chúng tôi nơi chúng tôi muốn ổn định tình hình”, ông Zelensky nói.
Trong khi nhà lãnh đạo Ukraine đã nêu vấn đề vũ khí hạt nhân trước đây, bao gồm cả ngay trước khi xung đột leo thang vào tháng 2/2022, ông đã làm như vậy ngày càng nhiều trong những tháng gần đây.
Tổng thống Zelensky đã bày tỏ sự hối tiếc rằng, Ukraine đã giao nộp một phần kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô sau khi Liên Xô sụp đổ để đổi lấy các đảm bảo an ninh trong Bản ghi nhớ Budapest năm 1994.
Năm 1991, Ukraine sở hữu khoảng 1.700 đầu đạn, tuy nhiên, chúng vẫn nằm trong tầm kiểm soát hoạt động của Moscow.
Nga khẳng định rằng, Ukraine chưa bao giờ sở hữu bất kỳ vũ khí hạt nhân nào của riêng mình, vì các tài sản này thuộc về Moscow với tư cách là người kế thừa hợp pháp duy nhất của Liên Xô.
Bản ghi nhớ năm 1994 cũng hình dung ra tình trạng trung lập của Ukraine, vốn đã bị phá hoại bởi sự mở rộng về phía đông của NATO và tham vọng của Kiev muốn gia nhập khối do Mỹ lãnh đạo, các quan chức Nga khẳng định.
Vào tháng 11/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rõ ràng rằng, bất kỳ nỗ lực mua sắm vũ khí hạt nhân nào của Kiev đều không khả thi, và sẽ buộc Moscow phải sử dụng mọi biện pháp có sẵn để phá hủy nó.
"Theo quan điểm thông thường, bạn nghĩ sao - nếu quốc gia mà chúng ta hiện đang tham gia vào các hoạt động quân sự trở thành một cường quốc hạt nhân, chúng ta nên làm gì? Trong trường hợp này, hãy sử dụng tất cả - tôi muốn nhấn mạnh điều này - chính xác là tất cả các phương tiện hủy diệt mà Nga có thể sử dụng", Tổng thống Putin lưu ý.