Tờ báo trên cho biết, báo cáo có những chi tiết mới về số nhà nghiên cứu bị ảnh hưởng, thời gian mắc bệnh, các lần tới bệnh viện của họ. Điều này có thể sẽ tăng thêm sức mạnh cho lời kêu gọi điều tra rộng rãi hơn về việc liệu Covid-19 có thoát ra khỏi phòng thí nghiệm hay không.
Báo cáo đã được đưa ra trước cuộc họp của cơ quan ra quyết định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dự kiến sẽ thảo luận về giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19.
Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ không bình luận gì về thông tin trên nhưng cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục có “những câu hỏi nghiêm túc về những ngày đầu của đại dịch Covid-19, bao gồm nguồn gốc của nó tại Trung Quốc”.
Bà cho biết, chính phủ Mỹ đang làm việc với WHO và các quốc gia thành viên khác nhằm hỗ trợ một đánh giá chuyên nghiệp về nguồn gốc đại dịch mà “không bị can thiệp hay chính trị hóa”.
Vào tháng 3, Mỹ, Na Uy, Canada, Anh và các quốc gia khác đã bày tỏ lo ngại về nghiên cứu nguồn gốc Covid-19 do WHO đứng đầu, đồng thời kêu gọi điều tra thêm và được tiếp cận đầy đủ tất cả các dữ liệu thích hợp về người, động vật và các dữ liệu khác về giai đoạn đầu của sự bùng phát.
Washington muốn đảm bảo sự hợp tác và minh bạch hơn của Trung Quốc – một nguồn tin cho hay. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa trả lời yêu cầu bình luận vào hôm qua (23/5).
Hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh một nhóm do WHO đứng đầu đã kết luận một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm là cực kỳ khó xảy ra sau chuyến thăm vào tháng 2 tới Viện virus học.
“Mỹ tiếp tục thổi phồng lý thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm” – Bộ trên cho biết trước yêu cầu bình luận – “Họ thực sự quan tâm đến việc truy tìm nguồn gốc hay cố gắng chuyển hướng sự chú ý?”.
Trước đó, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump cho biết, họ nghi ngờ virus có thể đã thoát ra từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc. Tuy nhiên Bắc Kinh phủ nhận điều này.
Một tờ thông tin của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố vào thời điểm gần cuối nhiệm kỳ của ông Trump nói rằng “chính phủ Mỹ có lý do để tin rằng một số nhà nghiên cứu trong WIV đã bị bệnh vào mùa thu năm 2019, trước khi ca mắc đầu tiên của đợt bùng phát dịch được phát hiện, với các triệu chứng giống như cả Covid-19 và các bệnh thường gặp theo mùa”.
Nguồn tin này không nói rõ có bao nhiêu nhà nghiên cứu.
Vào tháng 2, Trung Quốc đã từ chối cung cấp dữ liệu thô về các ca mắc Covid-19 ban đầu cho nhóm do WHO đứng đầu đang điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19. Điều này có khả năng làm phức tạp các nỗ lực tìm hiểu cách thức dịch bùng phát.