Đây là lần thứ 2 Mỹ công bố thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA. Tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA là sản phẩm liên kết của Mỹ và Nhật Bản.
Theo thông tin, loại tên lửa đánh chặn mới được trang bị thiết bị cảm biến có độ nhạy cao, hệ thống “lọc” hiệu quả các loại mục tiêu giả.
SM-3 Block IIA mới có bán kính hoạt động lớn hơn so với phiên bản trước đó.
Ngoài ra, vận tốc bay của phiên bản mới cũng lớn hơn. Nó có thể đạt vận tốc khoảng 4,5 km/s và bán kính tiêu diệt mục tiêu lớn nhất có thể đạt được là 2.700 km.
Tên lửa đánh chặn được phóng từ bên hông khu trục hạm Hải quân Mỹ “John Finn”. Mục tiêu đánh chặn là một tên lửa được phóng từ bờ biển phía Tây thuộc quần đảo Hawaii.
Loại tên lửa SM-3 Block IIA trong tương lai cũng sẽ được sử dụng tại các căn cứ của Mỹ ở Đông Âu (tại Rumani và Ba Lan).
Mỹ cũng không hề che đậy rằng song song với phiên bản sử dụng trong Hải quân, SM-3 Block IIA cũng sẽ có phiên bản sử dụng trên mặt đất.
Một điểm quan trọng là nếu Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Deveselu của Rumani, nó có thể trở thành lá chắn từ phía Iran đối với nước này, theo đó khoảng cách từ Deveselu đến thành phố Tabriz (Iran) khoảng 2.000 km. Điều này hoàn toàn phù hợp với bán kính hoạt động của MSM-3 Block IIA.
Đối với phía Ba Lan, điều này gặp khó khăn hơn do khoảng cách từ thị trấn Ba Lan, nơi triển khai hệ thống đến thành phố Tebriz là 2,9 nghìn km. Khoảng cách này vượt quá tầm xa hoạt động của tên lửa. Tuy nhiên Mỹ vẫn khẳng định có thể đánh chặn tên lửa của Iran trên đường bay của chúng.