Mỹ rút quân khỏi Syria - tin xấu đối với Nga

GD&TĐ - Những ngày gần đây, quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria của Tổng thống Donald Trump trở thành vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất. Đa phần các chính trị gia, học giả phương Tây đều cho rằng, quyết định này của Mỹ không khác gì “món quà Giáng sinh dành cho Putin”. Tuy nhiên, theo không ít các nhà phân tích: Nó hoàn toàn không phải là một chiến thắng mà là tin xấu đối với Nga.

Mỹ rút quân khỏi Syria -  tin xấu đối với Nga

Donald Trump: Lùi một bước để tiến hai bước

Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh về việc rút quân đội Mỹ khỏi Syria trong khoảng 2 - 3 tháng. Quyết định này vừa được gọi là “lịch sử”, vừa là tin tốt cho chính Donald Trump. Nói là tốt bởi cuối cùng ông Trump bắt đầu theo đuổi chính sách đã hứa với cử tri từ trước khi trở thành Tổng thống. Đó là những người luôn thắc mắc rằng tại sao cần có sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ ở Syria? Tại sao phải chi tiền cho việc đó?

Quyết định “lùi một bước”, Donald Trump không ngại tranh cãi với người rất mực được kính trọng trong nước, Tướng James Mattis, khiến ông này đã từ chức ngay sau đó.

Rút quân Mỹ khỏi vùng đất của người Kurd là động thái nhân nhượng với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm kéo nước này ra khỏi liên minh hữu hảo với Nga, biến Ankara trở thành lực lượng đối kháng với Iran - kẻ thù của Mỹ và đồng minh thân cận - Israel.

Việc rút quân viễn chinh Mỹ khỏi Syria là tin tốt cho chính Syria, nơi người Mỹ được coi là “khách không mời mà đến”. Thật vậy, lính Mỹ tồn tại bất hợp pháp trên lãnh thổ Syria để thực hiện mưu đồ lật đổ một chính phủ hoàn toàn hợp pháp của Tổng thống Bashar Assad.

Ngoài ra, việc chấm dứt các cuộc không kích của Mỹ là triển vọng không phải của hiện tại mà là của tương lai. Giờ đây, 2.000 lính Mỹ sẽ rời Syria trong vòng từ 2 đến 3 tháng nhưng hàng không mẫu hạm Mỹ cùng một căn cứ quân sự sát nách Syria vẫn có thể can thiệp bất cứ lúc nào.

Quyết định rút quân khỏi Syria là một bước lùi của Donald Trump, nhưng theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Moscow đừng tưởng bở. Rất có thể Syria sẽ là vũng bùn “không lối thoát” của Nga.

Nga: Một mình nhảy múa giữa bầy... “sói”

Ngay cả khi các nhà quân sự và ngoại giao Nga luôn công khai kêu gọi Washington rút quân, nhưng việc quân Mỹ rút khỏi Syria không phải là tin tốt cho Nga.

Vấn đề ở chỗ, những người lính Mỹ đang rời đi, nhưng trên thực tế, họ vẫn còn đó. Mỹ tiếp tục tham gia vào cuộc chiến ủy nhiệm bằng âm mưu, tài chính và cung cấp vũ khí cho các thế lực khác.

Liên minh thân Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động. Người Pháp đã thâm nhập vào Syria từ lâu, trước khi kết nối tích cực với Washington. Ả-rập Xê-út vẫn ở đó với các “vệ tinh kiểu UAE” - một trong những động cơ chính nhằm phân phối lại ảnh hưởng ở Syria. Tháng trước, có tin cho rằng Ả-rập Xê-út sẽ chi 100 triệu đô la để tiếp tục theo đuổi chính sách Syria của họ. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đóng góp 50 triệu USD, người Pháp cũng chi ra chừng ấy cho cuộc chiến ở Syria.

Trong khi đó, tình hình trong khu vực trở nên khó lường hơn, xung đột có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Điều không thể phủ nhận rằng Israel sẽ hành động quyết liệt hơn.

Israel sẵn sàng đáp trả nghiêm túc việc tăng cường lực lượng của Iran ở Syria liên quan đến việc rút quân Mỹ - Phó Vụ trưởng Vụ Âu - Á của Bộ Ngoại giao Israel Alex Ben-Zvi khẳng định. Cũng theo lời ông Alex Ben-Zvi, mức độ nghiêm trọng của câu trả lời phụ thuộc vào mức độ đe dọa. Trước đó, quân đội Israel đã sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa để vô hiệu hóa các tên lửa được phóng từ Syria.

Tờ Haaretz (Israel) cho rằng, Nga không có khả năng ảnh hưởng đến lực lượng Iran ở miền Nam Syria. Chính vì vậy, các cuộc không kích mới là hết sức cần thiết. Theo Haaretz, Israel gửi thông điệp rằng họ tiếp tục hành động chống lại các lực lượng thân Iran bất chấp quyết định rút quân đội Mỹ của Donald Trump và bất chấp xích mích với Moscow sau sự cố với máy bay Il-20 của Nga cách đây chưa lâu.

Vào đêm trước khi ký sắc lệnh rút quân, Tổng thống Donald Trump đã có cuộc đàm phán qua điện thoại dài với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Sự khác biệt chính giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực là người Kurd. Nếu đối với Mỹ, người Kurd là đồng minh và là đối tác chính thì đối với Thổ Nhĩ Kỳ, họ là kẻ thù không đội trời chung.

Sau khi Mỹ rút quân, người Kurd trở nên đơn độc. Để tồn tại, họ không có con đường nào khác ngoài liên minh với chính quyền của Tổng thống Bashar Assad.

Điều quan trọng nhất là khi quân Mỹ còn đồn trú trên vùng đất của người Kurd, họ đã cân bằng sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, khi Mỹ rút quân, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan chắc chắn sẽ phát lệnh tấn công người Kurd.

Giờ đây, Ả-rập Xê-út đã đồng ý chi số tiền cần thiết để xây dựng lại Syria, thay vì Hoa Kỳ. Bạn có thấy không? Chả lẽ không phải là điều tuyệt vời khi các nước giàu đang giúp các nước láng giềng của họ trong việc tái thiết thay vì một đất nước vĩ đại - Hoa Kỳ cách xa tới 5.000 dặm. Cảm ơn Ả-rập Xê-út!.
Donald Trump 

Khi người Mỹ tham chiến ở Syria, Nga có cơ hội để mặc cả với họ. Trong một thời gian khá dài, sự phối hợp trên lãnh thổ Syria gần như là kênh tương tác duy nhất giữa Liên bang Nga và Mỹ.

Cho dù người Mỹ muốn Nga bị cô lập đến mức nào, họ cũng không thể cắt đứt đường dây liên lạc này với Moscow.

Cái giá của nó là quá cao - nguy cơ chiến tranh toàn diện (mà Mỹ gọi là Chiến tranh thế giới thứ ba). Giờ đây, cơ hội này đã khép lại - người Mỹ đang rời khỏi cuộc chơi và họ không có kế hoạch ngồi chung bàn với Nga ở Syria.

Mối quan tâm lớn nhất của họ vào thời điểm hiện tại là cứu (nếu có thể) những tàn dư của phiến quân “trên mặt đất” đã và đang chịu ảnh hưởng của họ. Tuy nhiên, động thái này cũng tạo ra nguy cơ xung đột giữa các thế lực ngày một lớn.

Điều dễ hiểu rằng khi không thể là người chiến thắng và phải ra đi, Washington sẽ làm cho “máy xay thịt” mang tên Syria tiếp tục hoạt động hết công suất, qua đó càng làm suy yếu đối thủ của họ càng tốt.

Bình luận viên chính trị Nga D. Bavyrin nhận định: “Cuối cùng, chúng ta kiểm soát được khu vực. Một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột đã bắt đầu, nhưng thành tựu của một nền hòa bình thực sự còn ở rất xa. Người Mỹ sẽ không còn can thiệp “ngay dưới chân chúng tôi”, nhưng sẽ gia tăng áp lực từ bên ngoài, áp đặt “chiến tranh tiêu hao” và rõ ràng muốn Nga bị sa lầy vào “đầm lầy” Syria”.

Như vậy, sau khi Mỹ rút quân, Nga sẽ trở thành “thủ lĩnh”, thành “trọng tài” đối với các thế lực can thiệp vào Syria.

Liệu Moscow có thể kiềm chế tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel?

Moscow có thể trở thành “cầu nối”giữa chính quyền Bashar Assad với người Kurd?

Sự cân bằng mong manh trong khu vực đã bị xáo trộn. Giờ đây, tất cả những vấn đề nhạy cảm trong khu vực đều dồn lên đôi vai của người Nga, Moscow sẽ phải xử lý ra sao?n

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ