Mỹ rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris: Khác biệt về quan điểm

GD&TĐ - Quyền Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, David Rank, đã từ chức khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris. Nhiều nhà phân tích cho rằng, quyết định của ông Trump thể hiện sự khác biệt về quan điểm với các nhà lãnh đạo Mỹ trước đó.  

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Phản ứng lặng lẽ

Vốn là một nhà hoạt động ngoại giao từ những năm 1990, từ tháng 1/2016, ông David Rank được chỉ định là Phó Đại sứ tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh và vẫn tiếp tục vị trí này cho đến khi ông Trump bổ nhiệm nhân sự mới là cựu thống đốc Iowa Terry Branstad. Quyết định của ông Trump đã được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 5 và ông Branstad sẽ nhận nhiệm vụ mới vào cuối năm nay.

Ông Rank đã phục vụ ở nhiều vị trí quan trọng trong Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó có thời gian làm giám đốc văn phòng các vấn đề Afghanistan và cố vấn cao cấp cho đại diện đặc biệt của Mỹ tại Afghanistan và Pakistan. Ông Rank cũng từng làm việc tại Trung Quốc khi ông Tập Cận Bình và nguyên Tổng thống Mỹ Barack Obama ký thỏa thuận song phương và tuyên bố cam kết của hai nhà lãnh đạo này với Hiệp định Paris.

Một số nguồn tin cho biết việc ông Rank rời khỏi vị trí của mình là một cách thể hiện sự phản đối của ông đối với quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của Tổng thống Donald Trump.

Sự lựa chọn của ông Donald Trump

Đầu tháng 6, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về khí hậu, chấm dứt tất cả sự tham gia liên quan đến hiệp định này.

Quyết định nói trên thể hiện rõ ràng sự khác biệt về quan điểm của vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm về thế giới và nước Mỹ so với các đời Tổng thống Mỹ cũ: Trong khi đa số nhìn nhận Mỹ và liên minh cùng các nền dân chủ châu Âu có những tư tưởng chung, với nền tảng là hòa bình và tiến bộ, thì ông Trump coi khái niệm “cộng đồng thế giới” được sử dụng để tận dụng lợi thế của Mỹ, khiến nước Mỹ phân tán khỏi mục đích mà ông đang đặt ra: Chăm lo cho chính người Mỹ mục đích đầu tiên, thứ hai và cuối cùng.

Lý giải cho sự rút lui của Mỹ, ông Trump cho rằng nước Mỹ đã có nhiều chuyển biến kể từ khi ông nhậm chức, chẳng hạn như các thủ tục cản trở kinh doanh sản xuất đã giảm bớt, các đạo luật mới được ban hành, tình trạng nhập cư bất hợp pháp ở biên giới phía Nam được hạ thấp đến mức kỷ lục, việc làm được đưa trở lại cho người Mỹ... và khẳng định sẽ “không để bất kỳ thứ gì cản trở tiến trình của chúng tôi”. Bài phát biểu của ông có đoạn: “Vì thế, chúng tôi sẽ rút lui. Chúng tôi sẽ bắt đầu thương lượng và tìm kiếm một hiệp ước công bằng hơn”. Chủ trương của ông Trump là tham gia các cuộc đàm phán để tái nhập lại với Thỏa thuận Paris theo các điều khoản công bằng hơn cho nước Mỹ, cụ thể là cho các doanh nghiệp, công nhân lao động, cũng như người dân Mỹ.

Quyết định của ông Trump tất nhiên gây không ít phản ứng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt khiến nhiều tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo chính trị, các nhà môi trường và nhà khoa học chỉ trích. Một số nhà bình luận cho rằng việc rút lui của Mỹ khỏi hiệp định này cho thấy phần nào sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ, đồng thời vị thế của bà Angela Merkel (Thủ tướng Đức) được tăng cường đáng kể trong vai trò nhà lãnh đạo quyền lực của thế giới.

Bất luận sự rút lui của Mỹ, Trung Quốc - vốn là quốc gia có lượng khí thải carbon lớn nhất thế giới - tuyên bố vẫn tiếp tục thực hiện cam kết của mình. Ước tính đến năm 2030, Trung Quốc đạt ngưỡng cao nhất về lượng khí thải carbon. Cho đến thời điểm đó, hoạt động đốt than giá rẻ, vốn được tận dụng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển đến một mức nhất định, sẽ được chuyển dần sang sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh. Sau năm 2030, Trung Quốc cam kết sẽ giảm khí carbon và tăng tỷ trọng năng lượng tái sinh. Hiện nay, Trung Quốc đang là quốc gia hàng đầu về sản xuất pin năng lượng mặt trời, đồng thời đầu tư vào năng lượng tái sinh ở nhiều nơi trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.