Mỹ vừa đưa ra các quy tắc về việc các công chức chính phủ được phép phát ngôn như thế nào trên mạng xã hội
“Ăn theo” không khí này, các nhà phân tích cho rằng các doanh nghiệp cũng nên lưu ý và đưa ra quy tắc về phát ngôn của nhân viên trên mạng xã hội.
Cơ quan Đạo đức của chính phủ Mỹ vừa phát hành quy định về Nguyên tắc, tiêu chuẩn phát ngôn trên mạng xã hội.
Những quy định này nói rõ nhân viên liên bang không được sử dụng mạng xã hội trong thời gian làm việc và trên thiết bị, tài sản của chính phủ, cũng như không dùng chức danh chính thức của họ, dùng mạng xã hội để tìm kiếm công việc khác và không được tiết lộ các “thông tin không công bố cho cộng đồng” để “hút view”.
Văn phòng Đạo đức cho rằng, với việc các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram và Google+ đang chiếm quá nhiều thời gian của mọi người – dù là thời gian trong hay ngoài giờ làm việc, thì chính phủ cũng cần phải đặt ra các quy tắc cụ thể đối với các nhân viên liên bang.
Điều này cũng được cho là nên áp dụng với các doanh nghiệp. “Tôi khuyến cáo các công ty nên đặt ra chính sách riêng”, Zeus Kerravala, nhà phân tích của ZK Research, nói. “Điều tích cực là chính phủ đã hiểu được giá trị của mạng xã hội. Họ chỉ muốn đảm bảo mạng xã hội được sử dụng vì lợi ích của chính phủ”.
Tuy nhiên, hiện vẫn có rất nhiều công ty chưa đặt ra các nguyên tắc ứng xử đối với mạng xã hội, khiến nhân viên nghĩ rằng họ có thể thoải mái nói bất cứ gì về công việc, về sếp, về công ty hay sản phẩm của công ty trên mạng xã hội.
Jeff Kagan, một nhà phân tích độc lập, nói rằng ông không hề ngạc nhiên khi các công ty thiếu các chính sách về mạng xã hội. Dù các trang như Facebook, Twitter rất phổ biến, song mạng xã hội vẫn là một lĩnh vực mới với các doanh nghiêp. Điều này, theo ông, cũng giống như việc công nghệ luôn đi trước thời đại và các chính sách, luật pháp lại đi sau mọi thứ.
Còn một vấn đề nảy sinh nữa là mọi người dường như đang có xu hướng chia sẻ quá nhiều trên mạng xã hội. Một người đưa ra vô số ý kiến cá nhân của họ lên Facebook, cũng có thể là người sẽ sẵn sàng “nói xấu” sếp hoặc đồng nghiệp.
Tuy nhiên, có sự khác nhau giữa việc đặt ra các nguyên tắc để hướng dẫn mọi người ứng xử trên mạng xã hội, và việc đặt ra các nguyên tắc để một công ty, hay chính phủ, có cơ sở pháp lý để đuổi việc một nhân viên, công chức.
Theo Rob Enderle, một nhà phân tích của hãng Enderle Group, các quy tắc của chính phủ cần rõ ràng và đơn giản hơn nữa. Chẳng hạn, họ nên viết rằng “Không sử dụng chức vụ trên mạng xã hội. Không nói về bất cứ gì mà cơ quan, tổ chức có liên quan và không chia sẻ thông tin nội bộ”.
Dù vậy, việc chính phủ đưa ra bản quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được đánh giá là một bước tích cực.