Mỹ muốn kéo Trung Quốc vào thỏa thuận hạt nhân mới với Nga?

GD&TĐ - Chính quyền TT Trump đang cử một đoàn đại biểu cấp cao đến gặp các đối tác Nga ở Geneva vào tuần này nhằm theo đuổi một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới bao gồm Trung Quốc – hãng tin The New York Times cho biết hôm qua (15/7).  

TT Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
TT Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Tuy nhiên, theo hãng tin trên, Nhà trắng không quan tâm đến việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START) năm 2010 vốn sẽ hết hạn trong 19 tháng, dù Nga cố gắng cứu vãn nó.

Đoàn đại biểu Mỹ tới Geneva sẽ do Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Sullivan dẫn đầu, trong đó có ông Tim Morrison – người đang đảm nhiệm vị trí cố vấn hàng đầu của TT Trump về vấn đề nước Nga trong Hội đồng An ninh Quốc gia, cùng với các đại diện từ Lầu năm góc, Cơ quan An ninh Quốc gia và những cơ quan khác.

Đoàn đại biểu Nga sẽ do Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov dẫn đầu.

Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức cho rằng Trung Quốc không phải là một bên tham gia các hiệp ước vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga, đồng thời cũng chưa rõ Bắc Kinh có sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán hay không.

Các quan chức Trung Quốc đã bác bỏ ý tưởng về một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới bất kể nó được đàm phán như thế nào. Họ cho rằng, ngoài một số việc, quyết định của TT Trump khi rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) là bằng chứng cho thấy Washington không thể tin cậy được – theo New York Times.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ rằng ông Sullivan và ông Thompson sẽ tới Brussels vào ngày 18/7 để thông báo cho các đồng minh tại trụ sở NATO sau cuộc họp tại Geneva.

TT Trump ban đầu tuyên bố ý định rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí vào tháng 10/2018, ông cho rằng việc Washington tiếp tục tuân thủ thỏa thuận trong khi cả Nga và Trung Quốc đều bị cáo buộc phát triển vũ khí bị cấm. Mỹ cuối cùng đã đình chỉ các nghĩa vụ trong hiệp ước vào ngày 2/2 vừa qua, kích hoạt quá trình rút khỏi hoàn toàn kéo dài 6 tháng nếu Nga không quay lại tuân thủ đầy đủ thỏa thuận này. Tuy nhiên, Nga cũng làm điều tương tự sau đó.

Moscow và Washington vẫn bị ràng buộc bởi hiệp ước New START, vốn đưa ra các giới hạn mới về số lượng đầu đạn hạt nhân, tên lửa, máy bay ném bom hạng nặng và bệ phóng.

Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng đang bị treo bởi vì nó sẽ hết hạn vào tháng 2/2021 và 2 bên vẫn chưa thảo luận về việc gia hạn.

Vấn đề kiểm soát vũ khí đã trở nên đặc biệt cấp bách đối với Nga và Mỹ, nơi sở hữu số lượng vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới sau khi đình chỉ Hiệp ước INF mang tính bước ngoặt. INF yêu cầu phải phá hủy tất cả tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất và tên lửa hành trình có tầm xa từ 550 tới 5.500km.

Mỹ nhiều lần lên tiếng lo ngại về tên lửa 9M729 của Nga mà theo Washington là vi phạm hiệp ước. Tuy nhiên, Moscow cho rằng cáo buộc của Mỹ là không có căn cứ và khẳng định tên lửa này đã được thử nghiệm ở phạm vi INF cho phép, đồng thời cho biết sẵn sàng đối thoại.

Theo Sputnik

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.