Tuyên bố trên được đưa ra bởi Cố vấn Năng lượng của Tổng thống Joe Biden - ông Amos Hochstein.
"Tôi nghĩ thành công của biện pháp này là nó hoạt động như dự kiến và dầu của Nga cũng như các sản phẩm chế xuất được bán dưới mức giá cận biên", hãng tin Anh Reuters trích lời ông Hochstein.
Để bảo vệ quan điểm của mình, ông Hochstein nhắc lại việc Nga phải giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày. Nhưng động thái trên của Moskva không ảnh hưởng đến giá dầu thế giới.
Đồng thời ông Hochstein nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dầu mỏ Nga vẫn có mặt trên thị trường, nhưng sản phẩm này đang phải giao dịch với giá chiết khấu lên tới 40%.
Hãy nhớ lại rằng mức giá trần đối với dầu có xuất xứ từ Liên bang Nga được đặt ở mức 60 USD một thùng. Hạn chế trên được hỗ trợ bởi các nước G7, cũng như Liên minh châu Âu và Úc.
Theo đánh giá, rào cản về giá sẽ hạn chế đáng kể khả năng của ngân sách Nga, và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Nga đang gặp khó khăn với mức giá trần dầu mỏ do phương Tây áp đặt. |
Tuy nhiên một số chuyên gia lại cho rằng việc áp trần giá dầu mỏ khó có thể tác động mạnh đến số tiền trong kho bạc nhà nước Nga.
Thực tế là sau khi phương Tây đưa ra các hạn chế, Moskva đã tăng đáng kể lượng dầu xuất khẩu ra nước ngoài.
Để thực hiện điều này, một "hạm đội bóng tối" đặc biệt đã được tạo ra để tiếp tục đưa mặt hàng năng lượng Nga ra thế giới, đây là những con tàu không có số định danh hay nhận dạng.
Bên cạnh đó, một vài nghiên cứu do các tổ chức tư vấn lớn của phương Tây thực hiện cho thấy nhu cầu đối với dầu của Nga được vận chuyển bằng đường biển vẫn tăng lên.