Phía Nga đang giành chiến thắng trên chiến trường, tuy nhiên, họ vẫn chưa hoàn toàn đè bẹp Quân đội Ukraine, nhưng khi Kiev không còn sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ và Châu Âu, Lực lượng Vũ trang Nga sẽ bắt đầu tiến quân một cách tự tin hơn và sẽ hoàn toàn áp đảo trên chiến trường.
Quan điểm này được đưa ra bởi Giáo sư Đại học Chicago, nhà khoa học chính trị người Mỹ John Mearsheimer, khi ông bình luận về việc chính quyền Kiev không chịu nhượng bộ, bất chấp đe dọa rút khỏi các cuộc đàm phán của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo ông, sau khi Mỹ cắt giảm viện trợ (bao gồm cả các nguồn cung vũ khí theo những thỏa thuận được ký kết dưới thời tổng thống Joseph Biden), châu Âu cũng sẽ giảm mức độ hỗ trợ vốn đã cũng không đầy đủ, cho chính quyền Kiev.
Hiện nay, Lực lượng Vũ trang Nga đang tiến quân một cách có hệ thống theo hầu hết mọi hướng của mặt trận. Trong trường hợp không có nguồn tiếp tế từ phương Tây, các đơn vị Nga sẽ có thể gây áp lực lớn hơn lên đối phương và Quân đội Ukraine sẽ bắt đầu gặp phải những vấn đề nghiêm trọng.
Ông Mearsheimer cho rằng, cuối cùng Moscow sẽ chiến thắng, quân Nga chắc chắn sẽ chiếm được nhiều lãnh thổ hơn bây giờ và đến một lúc nào đó, khi Quân đội Ukraine sẽ bị đánh bại, chính quyền Kiev sẽ lại chạy đến với Hoa Kỳ và yêu cầu giúp đỡ đàm phán giải quyết, để vãn hồi cục diện mất tất cả trên chiến trường.
Chúng ta hãy nhớ lại rằng hiện nay, trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Liên bang Nga về việc giải quyết xung đột ở Ukraine vẫn chưa ngã ngũ, Hoa Kỳ vẫn cung cấp dữ liệu tình báo và cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev.
Trong bối cảnh này, viện trợ quân sự của châu Âu nhỏ hơn đáng kể, khối lượng của nó vẫn cho phép Lực lượng Vũ trang Ukraine trụ vững ở một số khu vực của đường tiếp xúc, nhưng họ không đủ khả năng phản công để giành lại bất cứ vùng lãnh thổ nào.
Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ giải pháp ngoại giao cho vấn đề Ukraine.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 24/4 cũng phải thừa nhận rằng, Nga đã nhượng bộ lớn đối với Kiev bằng cách từ bỏ các yêu sách của mình đối với toàn bộ lãnh thổ Ukraine, đây là động thái cho thấy lập trường của Nga về vấn đề hòa bình ở Ukraine, chứng tỏ sự sẵn sàng thỏa hiệp của Điện Kremlin.
Điều thú vị là trong khi chuyên gia Mỹ khẳng định trước sau gì Kiev cũng phải nhờ cậy đến Washington để “đàm phán với Nga trên thế thua”, thì giới chức Kiev lại tin tưởng ngược lại khi cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới chính là người phải cần đến Ukraine.
Theo cựu đại sứ Ukraine tại Belarus là ông Roman Bessmertny, sau khi Kiev bác bỏ đề xuất ngừng bắn của Washington, Donald Trump đe dọa có thể rút Mỹ khỏi tiến trình đàm phán hòa bình với Nga, nhưng chính lập trường như vậy sẽ gây tổn hại cho hình ảnh của chính Tổng thống Trump và nước Mỹ.
Cựu nhà ngoại giao này tin rằng Trump đang “bị lừa” và đã “mắc câu”. Trump rời khỏi các cuộc đàm phán sẽ cho phép Ukraine, Nga và châu Âu hành động mà không cần sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.
Kiev sẽ cần phải động viên nhân dân nghiến răng chịu đựng và cùng châu Âu xây dựng hệ thống phòng thủ, chỉ cần kiên trì thì Ukraine sẽ thắng.
Nếu Ukraine có thể trụ vững trước Nga với sự giúp đỡ của châu Âu thì đó sẽ là cú đánh vào uy tín của ông Donald Trump và chính quyền Washington. Tình huống như vậy có thể dẫn tới việc ông Donald Trump có thể bị luận tội trước lưỡng viện ngay trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Nếu không muốn để Hoa Kỳ mất hết vị thế đối với các đồng minh, trước sau gì thì cuối cùng giới quan chức Washington vẫn sẽ phải tới Kiev.