Mỹ đang giải mã sức mạnh Quân đội Nga

GD&TĐ - Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã giúp Mỹ tìm hiểu được sức mạnh thực sự của Quân đội Nga và khả năng chiến, kỹ thuật của đối thủ nguy hiểm nhất.

Mỹ đang giải mã sức mạnh Quân đội Nga

Bí ẩn về sức mạnh thực sự của Quân đội Nga

Defense One trích dẫn bài viết trên trang web của Trung tâm Huấn luyện Quốc gia (NTC) ở California và Trung tâm Huấn luyện Sẵn sàng Liên hợp (JRTC) ở Louisiana và đưa ra kết luận là cuộc xung đột Nga-Ukraine đã giúp Lầu Năm Góc thu lượm được nhiều điều bổ ích.

Trong thời đại ngày nay, khi các cuộc chiến tranh ngày càng ít đi và nếu có, nó cũng chủ yếu là Mỹ và các đồng minh gây ra với những đối thủ yếu kém hơn về mọi mặt, rất khó để nắm bắt được sức mạnh quân sự thực thụ của một đối thủ ngang tầm ví dụ như Nga hay Trung Quốc.

Cách đây gần 20 năm, Quân đội Nga cũng đã tham gia vào một cuộc chiến đó là Chiến tranh Nam Osetia.

Tuy nhiên, trong cuộc xung đột giữa Nga với Gruzia vào tháng 8/2008 (còn được gọi là “Cuộc chiến tranh 5 ngày”), Quân đội Gruzia quá yếu kém, không xứng tầm là đối thủ của Nga.

Vào thời điểm đó, Mỹ và NATO không chuẩn bị trước và cũng không có điều kiện để viện trợ cho Tbilisi giống như Kiev hiện nay, nên Gruzia đã thất bại rất nhanh chóng trước Nga.

Do đó, Washington không thể đánh giá hết được sức mạnh và khả năng tác chiến của đối thủ.

Mặc dù như vậy, Quân đội Nga khi đó cũng đã bộc lộ nhiều điểm yếu về trình độ tác chiến và khả năng yếu kém của những vũ khí, trang bị cũ từ thời Liên Xô cũ, vốn chưa hề được nâng cấp, cải tiến nên được đánh giá là vẫn chưa thoát được cái mác “Quân đội to xác, lạc hậu, chỉ dựa vào vũ khí hạt nhân” mà phương Tây gán cho.

Nhận thức được điều đó nên ngay sau cuộc chiến tranh này, giới chính trị-quân sự ở Moscow đã tiến hành một cuộc cải tổ quân đội lớn về cả quy mô, tổ chức biên chế và cơ cấu vũ khí trang bị theo hướng tinh, gọn, hiện đại và hiệu quả.

Chỉ 6 năm sau, hiệu quả của cuộc cải cách quân đội mang tên “Diện mạo mới” đã được thể hiện một phần trong Chiến dịch “Mùa xuân Crimea”, thần tốc giành chính quyền và bảo vệ quá trình sáp nhập bán đảo này vào lãnh thổ Nga, hồi tháng 2-3 năm 2014.

Theo các nhà quan sát đánh giá, vào thời điểm đó, Quân đội Nga hết sức chuyên nghiệp, với khả năng hành động thần tốc; công tác chỉ huy, kiểm soát tình hình tốt trên không gian rộng; binh sĩ có kỹ năng giao tiếp, thu hút quần chúng rất tốt, cùng với đó là nhiều loại trang bị, vũ khí mới rất hiện đại…

Tiếp theo đó, Điện Kremlin liên tiếp công khai các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh cực kỳ hiện đại, trên tất cả các độ chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, gây ra mối lo ngại lớn đối với giới chức phương Tây.

Mặc dù đã thể hiện một “Diện mạo mới” từ năm 2014, nhưng thực sự Quân đội Nga chưa hề tiến hành bất cứ hoạt động tác chiến nào ở Ukraine, nên khả năng chiến đấu thực tế của Lực lượng Vũ trang Nga đã thay đổi như thế nào so với năm 2008, hoàn toàn chưa được thể hiện.

Mỹ lợi dụng Ukraine để tìm cách thắng Nga?

Do đó, Chiến dịch Quân sự Đặc biệt của Nga ở Ukraine hiện nay được coi là “cơ hội ngàn năm có một” để giới lãnh đạo Lầu Năm Góc có điều kiện khảo nghiệm sức mạnh thực sự của Quân đội Nga.

Theo bài viết, Quân đội Mỹ đang phân tích kỹ lưỡng cuộc chiến ở Ukraine để nắm rõ sức mạnh thực sự và khả năng chiến, kỹ thuật của một đối thủ ngang tầm như Nga, đồng thời sử dụng xung đột Nga-Ukraine như một cơ hội để chuẩn bị cho binh lính của mình những xung đột quân sự trong tương lai.

Nguồn tin lưu ý rằng, trong một cuộc chiến tranh thông thường như hiện nay, trở ngại quan trọng nhất đối với mỗi bên là việc đảm thông suốt và bí mật, an toàn về thông tin liên lạc, điều khiển vũ khí và khả năng ngụy trang, che giấu cho các hệ thống vũ khí, trang bị chiến lược.

Theo phân tích của chuyên gia quân sự Mỹ, với trình độ khả năng trinh sát quân sự rất cao, đối thủ của Mỹ có thể dễ dàng tìm ra vị trí của các hệ thống vũ khí tấn công và các điểm triển khai quân tạm thời trên tiền duyên, bằng máy bay trinh sát không người lái và vệ tinh trinh sát.

Dựa trên dữ liệu thu được, quân Nga có thể tiến hành tấn công tên lửa vào mục tiêu bất cứ lúc nào, làm Lực Lượng Vũ trang Ukraine thiệt hại rất lớn về nhân lực và phương tiện chiến đấu, khiến quân đội nước này gặp nhiều khó khăn trong hoạt động chi viện hỏa lực, che chắn bộ binh.

Dựa trên những kinh nghiệm thu lượm được trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, các chuyên gia quân sự của Lầu Năm Góc đã rút ra các bài học cho lực lượng Lục quân Mỹ, các giảng viên quân sự đã sử dụng máy bay không người lái và các tổ hợp pháo binh để huấn luyện quân nhân Mỹ.

Tất cả binh sĩ Mỹ đều được học cách điều khiển máy bay không người lái, ra các mệnh lệnh chỉ huy UAV, kết hợp với việc sử dụng hình ảnh khu vực do vệ tinh trinh sát cung cấp, giúp chỉ huy dựng lên bức tranh toàn cảnh trên chiến trường, lựa chọn hướng tấn công phù hợp, xây dựng các phương án tác chiến đúng đắn và hiệu quả…

Ngoài ra, quân nhân Mỹ cũng được dạy cách sử dụng thông tin liên lạc ở mức độ ít nhất và duy trì sự im lặng trên sóng vô tuyến để không bị kẻ thù phát hiện, định vị mục tiêu cho pháo binh tấn công hoặc chặn thu nghe lén thông tin liên lạc, tránh lộ bí mật về kế hoạch tác chiến.

Đồng thời, giới chức lãnh đạo Quân đội Mỹ cũng lần lượt thử nghiệm các vũ khí của mình thông qua con đường viện trợ cho Lực lượng Vũ trang Ukraine, để tìm ra các khiếm khuyết, đề ra các giải pháp khắc phục các hạn chế hoặc nâng cấp vũ khí cũ, phát triển các vũ khí, trang bị mới.

Ngoài ra, các chuyên gia của Lầu Năm Góc cũng đang tích cực tìm hiểu tính năng kỹ chiến thuật của các vũ khí Nga, đồng thời làm rõ khả năng của chúng khi đối đầu với các vũ khí Mỹ, để từ đó tìm ra cách khắc chế vũ khí Nga, phát huy hiệu quả của vũ khí mình.

Tầm quan trọng của cuộc xung đột hiện nay trên lãnh thổ Ukraine đối với NATO cũng đã được cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Alexei Reznikov xác nhận. Vào hồi tháng 7, ông này đã nêu ý kiến rằng, cuộc xung đột với Nga là chiến trường thử nghiệm rất thuận tiện cho vũ khí phương Tây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ