Mỹ đã phá hủy Quần đảo Marshall như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Nhân Ngày quốc tế chống thử hạt nhân 29/8, cùng nhìn lại Quần đảo Marshall, nơi thử nghiệm vũ khí nguyên tử chính của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh.

Nhiều người dân chưa thể quay lại Bikini kể từ năm 1946 do hậu quả các vụ thử hạt nhân.
Nhiều người dân chưa thể quay lại Bikini kể từ năm 1946 do hậu quả các vụ thử hạt nhân.

Quần đảo Marshall bao gồm một chuỗi các đảo núi lửa và đảo san hô ở trung tâm Thái Bình Dương, giữa Hawaii và Philippines. Một trong những hòn đảo của chuỗi đảo có tên Runit là nơi chứa chất thải phóng xạ của Mỹ.

Cái gọi là Runit Dome – một cấu trúc xi măng dày 115 mét – chứa hơn 90.000 mét khối đất phóng xạ và mảnh vụn, một sản phẩm của chương trình thử nghiệm hạt nhân bí mật thời Chiến tranh Lạnh của Washington. Bề ngoài 'quan tài xi măng' đã cũ và nứt, làm dấy lên lo ngại về tình trạng ô nhiễm thêm.

Từ năm 1946 đến năm 1958, Mỹ đã cho nổ 67 quả bom hạt nhân trên mặt đất và dưới nước ngoài khơi Quần đảo Marshall. Hai mươi ba cuộc thử nghiệm trong số này được thực hiện tại Đảo san hô Bikini và 44 cuộc thử nghiệm gần Đảo san hô Enewetak.

Tuy nhiên, bụi phóng xạ lan rộng khắp các chuỗi đảo, buộc người dân ở đây phải rời bỏ nhà cửa.

Đảo san hô Enewetak bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các chương trình quân sự thời Chiến tranh Lạnh của Mỹ: ngoài các vụ nổ hạt nhân, Washington đã thực hiện hàng chục vụ thử vũ khí sinh học tại đây và đổ 130 tấn đất từ ​​bãi thử hạt nhân Nevada, theo báo chí Mỹ.

Về phần mình, đảo san hô Bikini đã trở thành nơi thử nghiệm vụ nổ hạt nhân lớn nhất từ ​​trước đến nay của Mỹ, trong đó có Castle Bravo vào ngày 1 tháng 3 năm 1954 (mật danh của vụ thử bom nhiệt hạch nhiên liệu khô đầu tiên).

Theo truyền thông Mỹ, ánh sáng chớp nhoáng của nó thậm chí còn được nhìn thấy từ Okinawa, cách đó 2.600 dặm. Vụ nổ mạnh là một phần của Chiến dịch Castle, một loạt các cuộc thử nghiệm nhiệt hạch. Bravo mạnh hơn 1.000 lần so với Little Boy – quả bom được Không quân Mỹ thả xuống dân thường Hiroshima ngày 6/8/1945 .

Tại sao Mỹ có thể thử nghiệm hạt nhân trên quần đảo Marshall?

Sau nhiều thế kỷ dưới sự cai trị thuộc địa liên tiếp của Tây Ban Nha, Đức và Nhật Bản, Liên Hợp Quốc đã biến Quần đảo Marshall thành một "lãnh thổ ủy thác" theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an năm 1947, và Mỹ được chỉ định là "cơ quan quản lý".

Theo các điều khoản của Nghị quyết 21 của Liên hợp quốc (1947), Mỹ có nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển của thể chế chính trị, thúc đẩy tiến bộ kinh tế, xã hội và giáo dục của Quần đảo Marshall.

Tuy nhiên, Washington đã khai thác và làm ô nhiễm vùng lãnh thổ này để theo đuổi chương trình Chiến tranh Lạnh của riêng mình.

"Bản thân việc thử nghiệm vũ khí xác định diễn biến và hậu quả của Chiến tranh Lạnh đã là một khía cạnh quan trọng trong câu chuyện.

Hơn nữa, câu hỏi trọng tâm là 'Tại sao lại tiến hành các vụ thử hạt nhân?' đã được tranh luận đầy đủ giữa các chính trị gia, tướng lĩnh, dân thường và nhà khoa học Mỹ, và cuối cùng đó là chiến thắng cho những người ủng hộ an ninh quốc gia trước các chi phí ngoại giao và môi trường để bình thường hóa các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân", Giáo sư Joe Siracusa, tại Đại học Curtin (Úc) cho biết.

Vị giáo sư này cho biết thêm: "Mỹ đã chọn thử nghiệm những loại vũ khí này ở các đảo san hô ở Thái Bình Dương, phân bố chủ yếu giữa Eniwetok và Bikini. Đó là một thảm họa đối với người dân địa phương vì nhiều người Marshallese bản địa bị bỏng phóng xạ nghiêm trọng và sau đó bị rối loạn máu.

Những cuộc thử nghiệm đó có liên quan đến ô nhiễm phóng xạ, bụi phóng xạ và ảnh hưởng sức khỏe. Người dân và người dân Mỹ đã không được biết sự thật vào thời điểm đó nhưng cuối cùng nó cũng lộ ra".

Một vụ thử hạt nhân trên đảo Bikini.

Một vụ thử hạt nhân trên đảo Bikini.

'Những người được chọn': Các vụ thử hạt nhân của Mỹ đã tác động đến người Marshallese thế nào?

Năm 1946, Phó đô đốc Hải quân Mỹ khi đó là ông Ben H.Wyatt đã gặp 167 cư dân của Đảo san hô Bikini và yêu cầu họ di dời. Tuy nhiên, trên thực tế, người dân không có lựa chọn nào khác. Người dân bản địa được cho biết rằng đảo san hô của họ sẽ được sử dụng "vì lợi ích của nhân loại" và họ là những người được chọn.

Ngay sau thông báo của Wyatt, quân đội Mỹ đã bắt đầu chuẩn bị di dời những người sống trên Đảo san hô Bikini đến Đảo san hô Rongerik không có người ở.

Sau thời gian chịu đựng tình trạng suy dinh dưỡng do nguồn cung cấp thực phẩm hạn chế trên đảo san hô Rongerik, những cư dân cũ của Bikini được chuyển đến đảo san hô Kwajalein vào năm 1948, nơi họ ở trong những căn lều dọc theo đường băng quân sự.

Sau đó, họ được chuyển đến Kili, một hòn đảo nhỏ không có đầm phá, không có rạn san hô bảo vệ và không có ngư trường. Một số người trong số họ tái định cư ở Bikini vào năm 1969-1972, nhưng phải rời bỏ nơi này vào năm 1978 do mức độ phóng xạ cao.

Tương tự, vào năm 1948, chính phủ Mỹ đã buộc người dân trên đảo san hô Enewetak phải sơ tán khi Washington đang mở rộng thử nghiệm hạt nhân. Tuy nhiên, việc di dời đến các đảo san hô Rongelap, Utirik và Ailinginae đã không cứu được người dân trên đảo khỏi thảm họa hạt nhân, hầu hết đều do vụ thử nghiệm mạnh mẽ Castle Bravo.

"Các tác động môi trường từ loạt thử nghiệm đã tàn phá hoàn toàn môi trường sống trên đất và biển, bao gồm đầm phá và rạn san hô, đồng thời khiến nhiều hòn đảo không thể ở được.

Các mảnh vụn hạt nhân và bụi phóng xạ vào khí quyển làm ô nhiễm nguồn cung cấp đất và nước. Toàn bộ cộng đồng và sinh kế của người dân đã bị mất", Emily Spiller, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học RMIT (Melbourne) và Học giả Fulbright 2023-2024 nói.

Nghiên cứu của Spiller xem xét những chuyển đổi trong chính sách hạt nhân và tư duy chiến lược của Mỹ với trọng tâm đặc biệt là Tổng thống Mỹ là người có thẩm quyền tối cao về các quyết định liên quan đến vũ khí hạt nhân.

"Nhiều người đã phải rời bỏ quê hương do cuộc thử nghiệm. Những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất của những người ở khu vực bị ô nhiễm tiếp tục qua nhiều thế hệ, bao gồm tăng nguy cơ ung thư và nhiễm độc phóng xạ cấp tính. Cũng có những ảnh hưởng tức thời vào thời điểm đó như như nôn mửa, rụng tóc và bỏng da", Spiller tiếp tục.

Những lời phàn nàn của người Marshallese có được lắng nghe không?

Ngày 6/5/1954, người dân Marshall đã đệ đơn lên Hội đồng Quản trị Liên hợp quốc phàn nàn về việc Mỹ thử nghiệm hạt nhân:

"(Tôi) nhận thấy mối nguy hiểm ngày càng tăng từ các thí nghiệm với chất nổ chết người mạnh hơn hàng nghìn lần so với bất cứ thứ gì mà con người biết đến trước đây, tác động chết người của chúng đã chạm đến cư dân của hai đảo san hô ở Marshall, cụ thể là Rongelap và Uterik, những người hiện đang phải chịu đựng ở nhiều mức độ khác nhau do 'giảm lượng máu', bị bỏng, buồn nôn, rụng tóc.

Không ai có thể hứa chắc chắn về sự hồi phục hoàn toàn của họ, chúng tôi, những người dân Marshallese cảm thấy rằng chúng ta phải tuân theo tiếng gọi của lương tâm mình để đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp này tới Liên Hợp Quốc, tổ chức đã cam kết bảo vệ cuộc sống, quyền tự do và hạnh phúc chung của người dân trong lãnh thổ này, trong đó người dân Marshallese là một phần", đơn khiếu nại viết.

Người dân Marshallese nói rằng họ không chỉ lo sợ sự nguy hiểm cho người của họ từ những vũ khí chết người này, mà cũng lo ngại về số lượng ngày càng tăng của những người bị di dời khỏi vùng đất của họ và yêu cầu tất cả các cuộc thử nghiệm vũ khí gây chết người ở khu vực này phải chấm dứt ngay lập tức.

Đánh giá từ tài liệu năm 1954, người dân Quần đảo Marshall đã tuyệt vọng và không tin rằng các cuộc thử nghiệm của Mỹ có thể bị dừng hoàn toàn.

Quả thực, các vụ thử hạt nhân nguy hiểm của Mỹ vẫn tiếp tục kéo dài cho đến năm 1958, làm trầm trọng thêm các vấn đề môi trường vốn đã nghiêm trọng của các chuỗi đảo.

"Hậu quả chính trị của việc thử nghiệm hạt nhân liên quan đến việc phát triển các loại vũ khí ngày càng phức tạp, sau đó giúp hình thành chiến lược và học thuyết quân sự, đổ thêm dầu vào cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô vào thời điểm đó", Spiller nói.

Năm 1969, Mỹ khởi động một dự án dài hạn nhằm khử nhiễm các đảo san hô của Quần đảo Marshall.

Hậu quả của ô nhiễm hạt nhân ở Marshall

Sau đó, theo Hiệp ước năm 1990 giữa Mỹ và Quần đảo Marshall, Washington đã chấp nhận "trách nhiệm bồi thường cho công dân Quần đảo Marshall về những mất mát hoặc thiệt hại về tài sản và con người của công dân Quần đảo Marshall do vụ thử hạt nhân gây ra".

Theo tài liệu của Liên Hợp Quốc, từ năm 1954 đến năm 2004, Mỹ đã chi hơn 500 triệu USD cho việc bồi thường sau thử nghiệm hạt nhân và hỗ trợ liên quan ở Quần đảo Marshall.

"Việc giải mật các tài liệu của chính phủ liên quan đến thử nghiệm hạt nhân mang lại sự rõ ràng hơn về mức độ thiệt hại về sức khỏe con người và môi trường do các vụ thử hạt nhân gây ra. Có những nghiên cứu chứng minh nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp, ngộ độc phóng xạ và các bệnh nghiêm trọng khác tăng cao", Spiller nói.

Vào năm 2012, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc 'Calin Georgescu' đã phát hiện ra rằng bức xạ từ cuộc thử nghiệm đã dẫn đến tử vong và các biến chứng sức khỏe cấp tính và lâu dài.

Theo báo cáo, tác động của bức xạ đã trở nên trầm trọng hơn do ô nhiễm môi trường gần như không thể khắc phục được, dẫn đến mất sinh kế và đất đai. Hơn nữa, nhiều người tiếp tục phải chịu cảnh đi khỏi quê hương vô thời hạn, báo cáo viên đặc biệt đã cảnh báo vào năm 2012.

Trích dẫn một bản báo cáo từ Bộ Năng lượng Mỹ đã tiết lộ tình trạng tồi tệ người dân Marshall gặp phải cho đến ngày nay: "Sự gia tăng của bệnh tuyến giáp, bao gồm cả ung thư tuyến giáp ở Quần đảo Marshall vẫn tiếp tục, có liên quan đến việc hấp thụ iốt nhiễm phóng xạ lắng đọng trên bề mặt thực phẩm, dụng cụ ăn uống, tay, mặt và uống nước bị ô nhiễm".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ