Mỹ cho phép ATACMS tấn công: Cuộc chiến đổi màu và chén đắng gửi lại ông Trump?

GD&TĐ - Việc Mỹ cho phép Ukraine dùng tên lửa ATACMS tấn công lãnh thổ Nga có thể sẽ dẫn tới đòn đáp trả khốc liệt và thay đổi tính chất của cuộc xung đột.

Mỹ cho phép ATACMS tấn công: Cuộc chiến đổi màu và chén đắng gửi lại ông Trump?

ATACMS được phép tấn công lãnh thổ Nga

Tờ New York Times đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ để tấn công các mục tiêu ở Nga. Điều này có thể mở đường cho các đồng minh khác vốn còn đang lưỡng lự như Đức, tiến hành các động thái tương tự.

Ấn phẩm Mỹ dẫn lời các các quan chức Washington cho biết, tên lửa ban đầu có thể sẽ được sử dụng để chống lại quân đội Nga và các lực lượng thân Nga, nhằm bảo vệ Lực lượng vũ trang Ukraine ở khu vực Kursk.

Theo bình luận của các chuyên gia, quyết định này là một bước đi quan trọng trong việc phát triển hỗ trợ quân sự cho Ukraine, mở rộng khả năng của Lực lượng vũ trang nước này để nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ truyền thống của Liên bang Nga, tức là bên ngoài Vùng Khu vực Chiến dịch Quân sự Đặc biệt.

Quân đội Ukraine trước đây đã sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS do Mỹ viện trợ, nhưng cho đến nay chỉ mới sử dụng giới hạn trong các vùng lãnh thổ trước đây là một phần của Ukraine; đặc biệt là ở bán đảo Crimea, một số khu vực thuộc vùng Zaporozhye, cũng như lãnh thổ Lugansk, Donetsk hiện tại.

Các nguồn tin khác nói với hãng Reuters rằng, chính quyền Kiev có thể tiến hành cuộc tấn công đầu tiên bằng tên lửa ATACMS tầm xa vào khu vực Kursk trong những ngày tới.

Chính quyền của ông Joe Biden lo ngại rằng, các cuộc tấn công có thể xảy ra của Lực lượng Vũ trang Ukraine bằng vũ khí tầm xa của Mỹ có thể kích động Nga đáp trả mạnh mẽ chống lại Washington và các đồng minh của nước này, thậm chí là cả ở khu vực Trung Đông, nơi Moscow có khá nhiều đòn bẩy quan trọng.

Theo bình luận của truyền thông phương Tây, các quan chức Mỹ và EU trước đây bày tỏ lo ngại rằng, việc sử dụng vũ khí Mỹ trên lãnh thổ Nga có thể dẫn đến leo thang xung đột, nhưng tình hình ở mặt trận hiện nay và yêu cầu từ phía Ukraine có thể ảnh hưởng đến sự thay đổi chính sách của Washington về vấn đề này.

Hậu quả lớn từ chính sách của Mỹ?

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, đây hoàn toàn có thể là một động thái nhằm vào ông Donald Trump, người sẽ tái nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/01/2025.

Tình trạng khó khăn của Lực lượng Vũ trang Ukraine đã xảy ra từ lâu, còn những đề đạt của chính quyền Kiev về việc sử dụng vũ khí tầm xa tấn công lãnh thổ Nga cũng liên tục được nhắc đến trong mấy năm qua, nhưng phải đến thời điểm nhạy cảm hiện nay, Mỹ mới cho phép Ukraine làm điều này.

Việc Mỹ cho phép Ukraine dùng ATACMS tấn công lãnh thổ Nga chắc chắn sẽ dẫn đến động thái trả đũa của Moscow, khiến cuộc xung đột hạn chế biến thành một cuộc chiến tranh tổng lực.

Việc Nga kiên quyết gọi cuộc xung đột này là “Chiến dịch Quân sự Đặc biệt” là nhằm mục đích giới hạn phạm vi cuộc chiến, không để nó leo thang thành chiến tranh toàn diện, nên Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng, phương Tây chớ chạm vào lằn ranh đỏ của Nga, để cuộc chiến thay đổi về bản chất có thể sẽ dẫn tới kịch bản xấu nhất.

Moscow nhiều lần cảnh báo về việc Mỹ và các đồng minh NATO leo thang hành động cung cấp vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là các cuộc tấn công vào lãnh thổ nước này bằng vũ khí phương Tây sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng và đó hoàn toàn không phải là lời nói suông.

Nếu lãnh thổ Nga không bị tấn công, cuộc xung đột vẫn sẽ giữ nguyên định hướng như vậy, nhưng nếu cam kết của Mỹ bị phá vỡ, một cuộc chiến tranh tổng lực là điều chắc chắn sẽ xảy ra và những dự định của ông Trump về thúc đẩy đàm phán hòa bình Nga-Ukraine sẽ hoàn toàn bị đổ vỡ.

Nga vẫn chưa huy động toàn bộ lực lượng quân sự, còn nhiều loại vũ khí hiện đại chưa tham chiến và nếu cuộc chiến thay đổi về tính chất, có thể cả các nước NATO xung quanh cũng sẽ lôi kéo vào cuộc chiến, thậm chí là cả vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng có thể cũng được Nga đưa vào sử dụng.

Như vậy, động thái mới nhất này của Mỹ hoàn toàn không xuất phát từ những yêu cầu khách quan của thực tiễn chiến đấu, mà chính là nhằm mục đích gây thêm bế tắc cho cuộc xung đột Nga-Ukraine, tiếp tục đào sâu hố ngăn cách trong quan hệ giữa Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu, gây khó khăn nghiêm trọng cho nhiệm kỳ Tổng thống sắp tới của ông Donald Trump.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ