Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam: Thích ứng linh hoạt

GD&TĐ - Việc áp dụng thuế nhập khẩu 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành mũi nhọn.

Nhiều nhóm ngành bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới của Tổng thống Trump. Ảnh: ITN
Nhiều nhóm ngành bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới của Tổng thống Trump. Ảnh: ITN

Để vượt qua khó khăn, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục đàm phán song phương, mở rộng thị trường xuất khẩu...

Việt Nam thuộc “tốp” chịu thuế

Ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công bố chính sách thuế quan mới, áp dụng mức thuế cơ bản 10% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Đáng chú ý, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia phải chịu mức thuế cao nhất, lên đến 46%.

Chính sách này được đưa ra nhằm phản ứng trước các biện pháp thuế quan và hàng rào thương mại mà nhiều nước khác đang áp dụng đối với hàng hóa Mỹ, đồng thời nhằm thu hẹp tình trạng thâm hụt thương mại của quốc gia này.

Trong danh sách các quốc gia bị áp thuế suất cao, ngoài Việt Nam còn có Trung Quốc (34%) và Campuchia (49%), đều chịu mức thuế cao nhất. Các quốc gia khác chịu mức thuế suất thấp hơn, bao gồm Anh, Brazil và Singapore với 10%, trong khi Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Ấn Độ bị áp mức từ 20% đến 26%.

Việc áp dụng thuế nhập khẩu 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành mũi nhọn như điện tử, dệt may và giày dép.

Mỹ hiện đang dẫn đầu các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn của Mỹ và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nhiều loại hàng hóa cho thị trường Mỹ. Điện tử, dệt may, giày dép, nông sản... là các mặt hàng có kim ngạch lớn.

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ trong 2 tháng năm 2025 đạt hơn 19,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, hơn một nửa giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là các sản phẩm công nghệ cao (hàng điện tử tiêu dùng, điện thoại thông minh), các sản phẩm may mặc và giày dép, còn lại là các sản phẩm khác như nội thất và nông sản.

Trong năm 2024, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu là máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 23,2 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 19,4% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 22,05 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 18,4%. Tiếp đến là mặt hàng dệt may đạt 16,1 tỷ USD, chiếm 13,5% tỷ trọng xuất khẩu.

Trong 2 tháng năm 2025, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu vẫn là nhóm mặt hàng vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 4,3 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 22,1% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 3,3 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 16,8%.

Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trong 2 tháng đầu năm 2025 so với năm trước đó: Đồ chơi dụng cụ thể thao và bộ phận tăng 154,8%; dây điện và dây cáp điện tăng 65%; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tăng 124,5%; nguyên phụ liệu dệt may da giày tăng 50%; cà phê tăng 53,1%; hàng rau quả tăng 65%.

Chủ động nhiều phương án

Theo các chuyên gia kinh tế, mức thuế 46% mà Mỹ áp đặt với hàng hóa từ Việt Nam có thể gây ra những xáo trộn lớn nhưng đây không phải là dấu chấm hết cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Thay vì hoang mang, doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh chiến lược, cắt giảm chi phí, tìm kiếm thị trường mới và nâng cao giá trị sản phẩm để giữ vững vị thế cạnh tranh. Đồng thời, Chính phủ cần nhanh chóng đàm phán với Mỹ để giảm thiểu tác động tiêu cực, đồng thời tận dụng tối đa các hiệp định thương mại khác nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội nhấn mạnh, việc Mỹ áp thuế đối ứng lên tới 46% với hàng hóa Việt Nam là một diễn biến rất đáng quan ngại, đặc biệt trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang đối mặt với nhiều bất ổn.

Theo ông Quốc Anh, mức thuế 46% là quá cao. Bởi đây là mức thuế chống bán phá giá hoặc thuế tự vệ và gần như “khóa cửa” đối với hàng hóa Việt Nam. Việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới xuất khẩu các ngành hàng chủ lực như gỗ, thép, dệt may, thủy sản, đồ gia dụng… Bên cạnh đó, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp, ảnh hưởng kế hoạch sản xuất, đầu tư.

Đồng thời, trước đây, Việt Nam từng được coi là đối tác có chi phí và chất lượng tốt. Tuy nhiên, nhìn vào các mức thuế thì mức thuế áp cho Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh chính lại thấp hơn, điều này có nghĩa mức thuế xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh từ 10 – 20%.

Từ thực tiễn trên, ông Mạc Quốc Anh kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao nên tổ chức đối thoại song phương, vận động hành lang, cung cấp bằng chứng về việc tuân thủ các quy tắc WTO và không bán phá giá.

Đồng thời, theo ông Quốc Anh, cần thiết lập các tổ phản ứng nhanh để hỗ trợ pháp lý, điều tra, cung cấp hồ sơ cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Song, ông Quốc Anh cũng cho rằng, cần đẩy mạnh thị trường nội địa và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu như EU, Nhật Bản, Trung Đông, châu Phi… chứ không thể phụ thuộc một thị trường lớn.

Đáng chú ý, ông Quốc Anh kiến nghị Chính phủ cần có chính sách tài chính, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng như miễn giảm thuế, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn.

Ông Trần Đoàn Chung - Giám đốc Công ty Cổ phần Toàn Cầu A&B nhận định, động thái áp thuế của Mỹ có thể là cách để buộc Việt Nam phải ngồi vào bàn đàm phán thương mại song phương thay vì tiếp tục hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do.

Vì vậy, ông Chung cho rằng, trước mắt, các công ty xuất khẩu cần giảm chi phí, thậm chí chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ khách hàng và duy trì thị trường. Nếu cần, doanh nghiệp có thể lấy lợi nhuận để bù vào thuế trong thời gian đầu, tránh gây cú sốc cho đối tác. Trong dài hạn phải mở rộng thị trường mới, giảm phụ thuộc vào Mỹ để giảm thiểu rủi ro.

Trong tuyên bố áp thuế đối với các đối tác thương mại lớn của Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố danh sách các quốc gia đánh thuế đối ứng cao, đứng đầu là Campuchia với 49%, Việt Nam 46%, Sri Lanka 44%, Bangladesh 37%, Trung Quốc 34%, Thái Lan 36%, Đài Loan 32%, Ấn Độ 26%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Philippines 17%, Pakistan 29%...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ