​Mưu sinh trong mùa dịch, nhiều người phải tạm thời đổi nghề

​Mưu sinh trong mùa dịch, nhiều người phải tạm thời đổi nghề

Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, đã lan rộng và bùng phát tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Ở trong nước, dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội, ảnh hưởng mạnh tới tâm lý, đời sống người dân trong xã hội; gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại; làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh… Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng; làm gia tăng thất nghiệp, gây mất việc làm trong ngắn hạn. 

Theo Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 đang làm hàng triệu người phải tạm nghỉ, mất việc làm trong 4 tháng đầu năm 2020.

Trong bối cảnh đó, nhiều người phải tạm thời đổi nghề để mưu sinh trong mùa dịch. Mỗi người một hướng đi nhưng công thức chung sẽ chỉ có 1, đó là thích nghi.

Có những người vốn cuộc sống đang chật vật, thì nay dịch bệnh lại khó khăn thêm, gánh nặng mưu sinh càng chồng chất. Tuy vậy, họ vẫn "sống sót" trong đại dịch bằng cách phát huy "nghề tay trái", bằng chính sự cần cù, sáng tạo và kiến thức của mình. Họ xoay đủ nghề để kiếm sống, từ bán hàng trực tuyến, trổ tài nấu nướng đến "rao bán" kiến thức, tư vấn, đào tạo online...

Đã mấy tháng nay, tối nào chị Thanh - một giáo viên luyện chữ đẹp ở Hà Nội - tối nào cũng chăm chỉ dạy online cho một nhóm học sinh chuẩn bị vào lớp 1. Tạm thời không đến trường vào mùa dịch nhưng chị vẫn soạn bài giảng chỉn chu cho các lớp học trực tuyến của mình để kiếm thêm thu nhập và rèn "nét chữ, nết người" cho các em nhỏ dù không tiếp xúc trực tiếp như trước thời điểm đại dịch bùng phát.

"Dịch bệnh xảy ra bất ngờ khiến công việc của tôi thường thì suốt ngày bận rộn mà giờ trở thành rảnh rỗi. Lúc đầu có một vài người bạn nhờ tôi dạy kèm các con vào buổi tối. Sau một vài tuần thấy hiệu quả tốt nên tôi tăng các ca dạy và bắt đầu tuyển thêm học sinh để dạy online. Thu nhập dạy online cũng tạm ổn để gia đình tôi sống qua mùa dịch", chị Thanh kể.

Học sinh đăng ký học lớp chữ đẹp online của chị Thanh ngày càng nhiều.
Học sinh đăng ký học lớp chữ đẹp online của chị Thanh ngày càng nhiều.

Bằng cách bán hàng online thì bà mẹ bỉm sữa cũng có thể thành vua đầu bếp. Từ cô bán thịt bán cá ở chợ cũng thành một thợ ảnh bán chuyên, hay một bà chủ quán cơm lại chuyển từ việc cầm muôi, cầm chảo sang cầm kim, cầm kéo để làm khẩu trang đem bán. Có những người hàng ngày chỉ... cầm bút, nhưng trong mùa dịch dã cũng không ngại cầm kéo, cầm kim để tạo nên những chiếc khẩu trang tuyệt đẹp, độc đáo chống dịch.

Chị Vân, một kế toán của công ty tư nhân tại Hà Nội cũng nhanh chóng đổi nghề tạm thời trong mùa dịch. Với tài nấu nướng khéo léo, chị Vân nhanh chóng hút khách bằng các bánh chất lượng cao do chính tay chị chế biến. 

"Ban đầu là làm bánh cho người thân, bạn bè, sau thì mọi người thấy ngon cứ đặt hàng liên tục. Bây giờ lúc nào tôi cũng kín đơn hàng, làm cả ngày không hết việc, phải huy động cả chồng và các con cùng phụ giúp", chị Vân nói.

Các món bánh của chị Vân khiến khách hàng hài lòng bởi chất lượng đảm bảo, giá lại rất phải chăng.
Các món bánh của chị Vân khiến khách hàng hài lòng bởi chất lượng đảm bảo, giá lại rất phải chăng.

Nổi tiếng nấu ăn ngon, chị Thu Hương (Hà Nội) cũng đang kiếm tiền kha khá khi làm các món ăn "sở trường" của mình như giả cầy, cá kho, pa-tê khiến khách hàng thích mê.

Sở thích nấu nướng giúp chị Hương vượt qua mùa dịch dễ dàng. "Chỉ cần siêng năng chăm chỉ, và cũng một phần là để phục vụ những người mà mình yêu quý trong mùa dịch, tôi chế biến nhiều món ăn và ship đến tận nơi, chỉ lấy công làm lãi", chị Hương chia sẻ.

Món giả cầy và pa-tê của chị Hương cứ nấu đến đâu là khách đặt hết đến đấy, thậm chí muốn ăn thì phải đặt trước 1-2 ngày mới có.
Món giả cầy và pa-tê của chị Hương cứ nấu đến đâu là khách đặt hết đến đấy, thậm chí muốn ăn thì phải đặt trước 1-2 ngày mới có.

Đắt khách online nên chị Hương đã tăng cường làm thêm món mới như nem hải sản, nem bề bề phô mai, đóng sẵn thành từng hộp và luôn sẵn sàng chuyển đến từng nhà. "Chỉ mong đóng góp món ăn ngon cho mọi người mỗi ngày và kiếm thêm chút thu nhập bù đắp chi phí sinh hoạt trong mùa dịch", chị Hương nói.

Chị Hương cho hay, nguyên liệu làm các món ăn được chị lựa chọn kỹ càng như nấu bữa ăn cho gia đình.
Chị Hương cho hay, nguyên liệu làm các món ăn được chị lựa chọn kỹ càng như nấu bữa ăn cho gia đình.

Với cánh phụ nữ là vậy, còn các đấng mày râu thì nghề shipper (giao hàng) lại có vẻ phù hợp hơn. Dù vất vả, nhưng giao hàng cũng đang là nghề "hot" trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội.

“Chuyển sang nghề shipper đi rong ruổi suốt ngày nên rất mệt vì tôi chưa quen việc. Trước kia chỉ ngồi văn phòng nay thì ở ngoài đường suốt ngày oải quá, nhưng vì mưu sinh và cũng mong muốn giúp đỡ những người cách ly tại nhà nên phải cố gắng thôi. Tôi mong dịch sớm qua để quay trở lại với công việc đúng chuyên môn của mình là kĩ sư tin học”, anh Thắng ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tâm sự.

Nghề shipper cũng giúp nhiều người "sống sót" qua mùa dịch bệnh. (Ảnh: KT)
Nghề shipper cũng giúp nhiều người "sống sót" qua mùa dịch bệnh. (Ảnh: KT)

Anh Hoàng - một lái xe khách đường dài cũng đang phải vật lộn với khó khăn mùa dịch Covid 19 bởi công ty anh tạm ngừng hoạt động. Không có việc làm, anh đành phải chuyển hướng sang làm những công việc tạm thời để mưu sinh, mong “hồi sinh” sau đại dịch.

"Tôi làm nhiều việc, lúc thì đi giao hàng, lúc thì giúp vợ nấu nướng, dọn dẹp. Tôi không ngại vất vả, nhưng thực sự giờ kiếm việc làm thêm rất khó. Tôi chỉ mong đại dịch mau qua để được đi làm trở lại, chứ cứ kéo dài mãi thế này thì kinh tế của gia đình tôi khó khăn lắm", anh Hoàng bày tỏ.

Dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát nhưng tác hại của nó như "quả bom" dội vào người lao động, nhất là những người vốn đã phải nhọc nhằn vì gánh nặng mưu sinh, chưa có tiền tích lũy...

Theo vov.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.