Muốn trở lại trạng thái “bình thường mới” chắc chắn phải phủ được vắc xin

GD&TĐ - Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khi thảo luận tại tổ - sáng 21/10, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại thảo luận tổ - sáng 21/10
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại thảo luận tổ - sáng 21/10

Foxconn, Apple, Intel… muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam

Sáng 21/10, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, Quốc hội tiến hành họp ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Phát biểu tại tổ, đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Sơn (đoàn Vĩnh Phúc) - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, thời gian qua có ý kiến cho rằng một số doanh nghiệp chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi ra Việt Nam.

“Điều này không phải, chúng tôi đã trao đổi với một số tập đoàn như: Adidas, Apple… họ nói Việt Nam thời gian qua đã đóng cửa trong một thời gian tương đối dài, nên một số đơn hàng không đáp ứng được. Do đó họ phải chuyển một số đơn đặt hàng” - đại biểu Bùi Thanh Sơn nói.

Tuy nhiên, theo đại biểu hiện cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang phục hồi và còn tiếp tục mở rộng, như Foxconn, Apple, Intel… đang muốn mở rộng sản xuất tiếp. Bởi họ thấy tiềm năng lớn của Việt Nam, nhất là các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký với các nước.

Thảo luận về các giải pháp kinh tế - xã hội, đại biểu Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế. Trong đó phải tiếp cận theo cả 2 hướng cả về cung và cầu của nền kinh tế.

“Kinh nghiệm các nước cho thấy cần có những biện pháp tài khoá để kích thích tổng cầu. Điều này rất quan trong bởi sau làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 đời sống người dân rất khó khăn khiến tổng cầu giảm.

Ngoài ra, kích thích tổng cung cũng rất quan trọng, khi tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất đã diễn ra” – đại biểu Sơn cho biết, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng việc khôi phục thị trường lao động khi mà nhiều người dân đã di chuyển về quê.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Đã có 99 triệu liều vắc xin về Việt Nam

Cũng trong buổi thảo luận tổ, Người đứng đầu Bộ Ngoại giao cho biết, thống kê đến cuộc họp ngày hôm qua, đã có 99 triệu liều vắc xin chính thức về đến Việt Nam.

Trong đó, số mua là 50,6 triệu liều, số vắc xin các nước viện trợ qua cơ chế COVAX hoặc qua song phương khoảng 34 triệu liều... Theo ông Sơn, đến hết tháng 10 sẽ rơi vào khoảng 110 - 120 triệu liều.

“Hiện chúng ta đã tiêm được khoảng 65 triệu liều, muốn trở lại trạng thái “bình thường mới” chắc chắn phải phủ được vắc xin” – đại biểu Sơn nhấn mạnh và cho biết: Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin đang xây dựng để trình Chính phủ kế hoạch trình Chính phủ kế hoạch mua vắc xin trong năm 2022 cộng với vắc xin sản xuất trong nước.

Theo đại biểu Sơn, cần tính sớm và chủ động về nguồn cung vaccine bởi thời gian tới chúng ta sẽ tiêm vắc xin cho trẻ em. Bên cạnh đó, hiện nhiều nước đang tiêm tăng cường mũi thứ 3.

Cùng quan điểm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đại biểu Bùi Văn Cường (đoàn Hải Dương) cũng cho rằng cần đi trước một bước trong vấn đề vắc xin phòng Covid-19.

Theo đại biểu Cường, với các hãng dược phẩm sản xuất có nghiên cứu, bắt đầu sản xuất thì nước ta có thể đặt hàng ngay, phải đi tắt đón đầu so với các nước khác. Nếu để bị động, chạy theo sẽ khó khăn trong việc tiếp cận.

Cũng liên quan đến vắc xin, đại biểu Hoàng Công Anh (đoàn Thái Nguyên) nêu ý kiến: hiện tiêm vắc xin là miễn phí; tuy nhiên nguồn lực không phải là vô hạn, nhất là trong bối cách dịch bệnh được đánh giá sẽ còn kéo dài. Do đó, cần đặt vấn đề về nguồn lực kinh phí trong thời gian tới.

Đại biểu đoàn Thái Nguyên cũng đề cập đến vấn đề tiêm vắc xin dịch vụ. Theo đại biểu, hiện nhiều người dân có điều kiện kinh tế, họ muốn lựa chọn vắc xin khi tiêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.