Một loạt các nước lớn khác cũng đang có động thái tương tự, tạo ra bầu không khí ngoại giao vắc-xin sôi động trên toàn cầu.
Theo thông báo của Nhà Trắng hôm 4/8, lô vắc-xin viện trợ đầu tiên của Mỹ được chuyển đi sẽ gồm 500.000 liều nhưng họ không tiết lộ điểm đến cụ thể. Nhưng từ trước khi kế hoạch 500 triệu liều vắc-xin nói trên được triển khai, kể từ tháng 6 đến nay, Mỹ đã viện trợ cho hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ tổng cộng 111 triệu liều vắc-xin các loại, bao gồm chủ yếu là Pfizer và Moderna.
Phần lớn trong số hơn 100 triệu liều vắc-xin này được phân phối thông qua cơ chế COVAX. Tính đến ngày 4/8, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước được nhận nhiều vắc-xin nhất trong số này với hơn 5 triệu liều đã được bàn giao. Như vậy, chưa cần triển khai gói 500 triệu liều như kế hoạch thì Mỹ đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về nỗ lực ứng phó đại dịch trên quy mô toàn cầu.
Sự chia sẻ hào phóng của Mỹ diễn ra trong bối cảnh nguồn cung vắc-xin đang thiếu hụt trầm trọng trên khắp thế giới khi biến chủng Delta hoành hành dữ dội. Washington khẳng định Mỹ không có ý định sử dụng vắc-xin như công cụ để đạt được sự ủng hộ hay đánh đổi lợi ích từ các quốc gia được nhận, mà họ chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là ngăn chặn virus lây lan, bảo vệ mạng sống của người dân thế giới và góp phần khống chế Covid-19.
Hiện, nước Mỹ vẫn là kho vắc-xin lớn nhất thế giới với nguồn cung dồi dào từ các hãng dược sản xuất vắc-xin được đánh giá là tốt hàng đầu hiện nay. Tổng thống Joe Biden từng hứa hẹn rằng, kho vắc-xin này sẽ không chỉ phục vụ cho riêng nước Mỹ mà phục vụ cho cả thế giới vì đây là cuộc chiến đấu chung của nhân loại.
Bên cạnh Mỹ thì Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh chính sách ngoại giao vắc-xin một cách đầy táo bạo tại một số khu vực trên thế giới, đặc biệt là Mỹ La tinh và Carribean.
Giới phân tích cho rằng, ngoài việc góp phần chống dịch thì đây là cơ hội giúp Trung Quốc củng cố sức mạnh mềm, nâng tầm vị thế của mình tại khu vực vốn có ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh của nước Mỹ.
Ngoài ra, một cường quốc về phát triển vắc-xin khác là Nga đang sở hữu 4 loại vắc-xin ngừa Covid-19 đã được cấp phép, trong đó phổ biến nhất là Sputnik V, cũng đang đẩy mạnh hoạt động viện trợ và cam kết về vắc-xin. Theo giới phân tích, với tiềm lực sản xuất của mình, Nga sẽ cùng Mỹ và Trung Quốc có khả năng hình thành “thế chân vạc” trên thế giới về ngoại giao vắc-xin.
Tương tự như vậy nhưng ở quy mô nhỏ hơn, một số nước có nguồn cung vắc-xin dồi dào gồm Nhật Bản, Anh, Australia… cũng đang triển khai chương trình hỗ trợ vắc-xin cho các nước đối tác của mình.
Hoạt động viện trợ đang là nguồn vắc-xin quan trọng nhất cho nhiều quốc gia trong bối cảnh biến chủng Delta tấn công dữ dội, do các hợp đồng đặt mua vắc-xin của họ vẫn chưa đến thời điểm được các hãng dược giao hàng.
Covid-19 đang là đại dịch toàn cầu nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhân loại về mức độ lây lan và ảnh hưởng đến đời sống con người. Do bản chất phi biên giới của virus, cuộc chiến chống đại dịch sẽ không thể giành chiến thắng ở một quốc gia đơn lẻ.
Bất cứ ổ dịch nào còn tồn tại cũng có thể đe dọa cả thế giới, do đó ngoại giao vắc-xin trên thực tế là lựa chọn không thể tránh khỏi của các cường quốc trong bối cảnh hiện nay.