Muôn nẻo áp lực khi có cha mẹ thành đạt

GD&TĐ - Người Việt có câu: “Con hơn cha là nhà có phúc”, tuy nhiên với không ít trẻ em, vượt qua cha mẹ thành đạt là thách thức quá khó khăn.

Dù hữu ý hay vô tình, cha mẹ thành đạt luôn phủ bóng lên con cái.
Dù hữu ý hay vô tình, cha mẹ thành đạt luôn phủ bóng lên con cái.

Khi có cha mẹ thành đạt, con cái buộc phải lựa chọn 1 trong 2, trốn tránh hoặc chấp nhận áp lực “con cái người thành đạt”. Kết quả, 65% học tập và tạo dựng sự nghiệp theo ý nguyện của phụ huynh.

Muôn nẻo áp lực

Nói đến “cái bóng của cha mẹ thành đạt”, chúng ta thường nghĩ tới các trường hợp con cái của người nổi tiếng.

Willow Smith (2000), con gái cặp đôi nghệ sĩ giải trí người Mỹ đình đám Will Smith (1968) và Jada Pinkett Smith (1971). Cô từng chia sẻ, sống dưới sự nổi tiếng của cha mẹ là “hoàn toàn, vô cùng khủng khiếp”.

Colin Hanks (1977), con trai tài tử Tom Hanks (1956) cũng khổ sở không kém. Chelsea Clinton (1980), con gái của cặp vợ chồng chính khách quyền lực Bill Clinton (1946) và Hillary Clinton (1947) thì dù mở miệng nói điều gì trên các chương trình trò chuyện cũng đều bị chỉ trích “trẻ ranh không thể tưởng”…

Chúng ta quên mất, không chỉ người nổi tiếng mới “phủ bóng” lên cuộc đời con em. Ví dụ, trường hợp Ryan (25 tuổi), con trai một bác sĩ nhập cư ở Mỹ. Vì là người nhập cư, cha Ryan dành cả đời tạo dựng chỗ đứng cũng như điều kiện ăn học tốt nhất cho các con. Ông kỳ vọng, Ryan sẽ nối nghiệp, trở thành bác sĩ.

Suốt thời học sinh, Ryan cần mẫn dùi mài kiến thức, thi đậu trường đại học y. Sau thời gian ngắn theo học y khoa, anh nhận ra mình không hề phù hợp.

Biết không thể tiếp tục, anh muốn chuyển sang ngành sư phạm và trình bày với cha. “Bố tôi vô cùng thất vọng”, Ryan kể lại. Ông thấy con trai không chỉ “chưa thấy khó đã lui” mà còn bất hiếu. Anh không xứng với những hy sinh và kỳ vọng của ông.

Rose (29 tuổi) có mẹ là nhà ẩm thực khá tiếng tăm. Tại nơi Rose sống, Lisbon (Bồ Đào Nha), đi đến đâu cô cũng thấy không thoát khỏi cái danh “con gái nhà ẩm thực”. Điều này gây áp lực đến nỗi, vừa tốt nghiệp trung học, Rose đã xuất ngoại.

Cô quyết định du lịch một chuyến vòng quanh thế giới rồi dừng lại ở Úc, học đại học, sau đó chuyển sang Pháp. “Tôi luôn cảm thấy phải đi thật xa, tới nơi không ai biết mẹ của mình. Chỉ có như vậy, tôi mới tìm được không gian riêng cho bản thân”, Rose bộc bạch.

Thanh niên hướng nội Ali (29 tuổi) khổ sở bởi người mẹ hướng ngoại. Bà vô cùng hòa đồng, ưa thích phiêu lưu và thúc ép con cái phải tươi vui, năng động hết mình. Chưa một lần, mẹ Ali phát hiện đang tạo áp lực lên con cái. Bà là ví dụ điển hình của kiểu phụ huynh vô thức phủ bóng lên con em.

Con em phụ huynh thành đạt không tránh khỏi áp lực thành công như cha mẹ.

Con em phụ huynh thành đạt không tránh khỏi áp lực thành công như cha mẹ.

Đánh mất bản thân

Sự kỳ vọng của phụ huynh là con dao 2 lưỡi. Một mặt, nó khuyến khích con em nỗ lực học tập, định hướng tương lai. Mặt khác, nó hình thành gánh nặng tâm lý.

Ali luôn cảm thấy phải hùa theo mẹ và điều đó khiến cô “bề ngoài cười nụ, bên trong khóc thầm”. Ryan thì không dám đưa ra chủ ý. “Nếu không ăn học theo định hướng của cha, tôi cảm thấy mình như đứa con phản bội”, anh tâm sự.

Phụ huynh thành đạt luôn vô thức hoặc cố ý gây áp lực lên con cái. Với họ, con phải hơn hoặc bằng cha là lẽ tự nhiên. Bởi vì, “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”.

Theo kết quả khảo sát năm 2021 từ nền tảng tuyển dụng toàn cầu Joblist, 65% con cái cha mẹ thành đạt nối nghiệp hoặc lập nghiệp trên cơ sở định hướng của cha mẹ.

Nối nghiệp hoặc nghe theo sắp đặt của cha mẹ thành đạt không phải chuyện xấu. Trái lại, đây còn là lợi thế. “Cha mẹ thành đạt là tấm gương và cảm hứng theo đuổi thành công. Nhìn họ vươn tới và đạt được mục tiêu khiến trẻ ngưỡng mộ và trào dâng sự tự tin, nỗ lực phấn đấu trở thành người chiến thắng”, nhà tâm lý trị liệu Alex Leff (Mỹ) nhận thấy.

Đôi khi, thoát khỏi cái bóng của cha mẹ lại thành ra mất tình thân.

Đôi khi, thoát khỏi cái bóng của cha mẹ lại thành ra mất tình thân.

Gian nan tự chủ

Trường hợp của Ryan là ví dụ điển hình cho sự can thiệp quá sâu của phụ huynh. Đối với thanh niên mới 25 tuổi này, thời khắc khó khăn nhất trong đời là giây phút đối mặt với cha, bày tỏ ý nguyện từ bỏ theo học y.

“Bố tôi luôn nhắc nhở, nếu không trở thành người như ông mong muốn thì tôi chỉ là thằng con chẳng ra gì, phụ công cha nuôi ăn học”, Ryan kể.

Rose thì say mê ẩm thực giống mẹ, nhưng kiên quyết đi đường riêng. Cô tự mở nhà hàng và thất bại thảm hại. Ali có sự nghiệp thành công, thậm chí trở thành người nổi tiếng, song luôn cảm thấy vô vị. Cuối cùng, sau nhiều năm “hoạt bát cho vui lòng mẹ”, cô phải tới phòng khám, nhận tư vấn và điều trị từ chuyên gia tâm lý.

Sau nhiều đấu tranh nội tâm, Ali quyết định nói hết với mẹ. Tuy muộn màng, mẹ Ali cũng hiểu và thoải mái cho phép con gái sống như ý mình. Rose thì nhận ra nỗi khổ tâm của mẹ, tháo gỡ khúc mắc và nhìn nhận bà như “tiền bối đầy năng lực trong ngành”. Cô vẫn kinh doanh riêng nhưng thường xuyên bàn bạc với mẹ.

Riêng Ryan và cha vẫn đang căng thẳng. “Tôi cảm giác, cha không đời nào chịu chấp nhận sự nghiệp của tôi. Với tình hình hiện giờ, tôi chỉ còn cách ít gặp gỡ ông mà thôi”, thầy giáo trẻ than vãn.

Con số 65% cũng chỉ ra một thực tế khác. Đó là sự can thiệp quá sâu của phụ huynh. Vì sự can thiệp này, trẻ bị tước mất cơ hội khám phá bản thân. Họ không kịp nhận ra mình muốn gì, tạo lập mối quan hệ ra sao, xây dựng cuộc sống thế nào.

Theo bbc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ