Bước ra khỏi 'cái bóng' của cha mẹ

GD&TĐ - Có rất nhiều trường hợp tôn trọng quyết định của con một cách máy móc, thiếu khoa học dẫn đến lỡ dở nhiều thứ. Trẻ không nên tự quyết định khi không được cung cấp đầy đủ thông tin.

Trẻ cần được cung cấp đủ thông tin trước khi đưa ra quyết định. Ảnh minh hoạ.
Trẻ cần được cung cấp đủ thông tin trước khi đưa ra quyết định. Ảnh minh hoạ.

Hãy để con độc lập

Vì sợ bé không thể tự quyết định được mà không ít bậc ba mẹ quyết định lựa chọn thay cho con. Điều này nên từ bỏ bởi vì khi bạn thay bé quyết định, bé sẽ khó có thể trở nên độc lập, không thể biết tự suy nghĩ và lựa chọn cho cuộc sống của mình. Thay vì quyết định thay hãy khuyến khích, định hướng con đường cho bé để bé có thể biết chọn lọc, tự cân nhắc và đưa ra quyết định đúng đắn.

Để hỗ trợ bé trong việc rèn luyện kỹ năng tự đưa ra quyết định, cha mẹ nên tập cho trẻ hiểu những trách nhiệm với quyết định của mình. Ví dụ như nếu bé đã chọn uống sinh tố và cha mẹ đã đáp ứng cho bé nhưng sau đó bé lại đòi uống sữa. Lúc này người lớn nên nói với bé là con đã chọn uống sinh tố và đã gọi cho con rồi, đây là sự chọn lựa của con. Con có thể uống thêm sữa vào bữa tối.

Qua đó, ba mẹ cần phải giải thích cho bé hiểu khi bé đã chọn cái này rồi thì phải từ bỏ thứ kia. Với sự lựa chọn bất kỳ nào, điều gì cũng sẽ có những hậu quả đi kèm đó có thể là tốt hoặc xấu, trẻ cũng phải chịu trách nhiệm với quyết định mình đã chọn. Điều này giúp bé biết suy nghĩ hơn và đưa ra những lựa chọn đúng đắn, phù hợp cho bản thân.

Để tạo thuận lợi cho quá trình phát triển tư duy của trẻ cũng như trí thông minh của trẻ, cha mẹ nên cho trẻ một số quyền quyết định và chịu trách nhiệm ở những công việc cụ thể.

Ở nhiều nước phát triển, trẻ từ 6 - 7 tháng tuổi thường được cho ngủ riêng một mình. Họ cho rằng ngủ một mình sẽ có lợi ích trong việc bồi dưỡng ý thức độc lập, rèn luyện sự can đảm và sẽ có ích trong việc nâng cao khả năng tư duy của trẻ. Điều đó giúp trẻ có một bản lĩnh vững vàng, độc lập, mạnh dạn và nâng cao dần khả năng tự chăm sóc bản thân cho trẻ.

Thậm chí, trẻ có thể tự sửa chữa đồ chơi hỏng. Theo đó, cha mẹ luôn để con trẻ tự sửa chữa đồ chơi của mình. Điều này giúp trẻ phát huy tính sáng tạo, kỹ năng giải quyết một vấn đề và năng khiếu tìm hiểu cấu tạo của đồ vật.

Và còn nhiều việc khác nữa như cho trẻ tự gói quà, tự rửa chén bát của mình, đưa ra ý kiến tranh luận, mạnh dạn nhận lỗi… Đây đều là những điều rất cần cho sự thành công của trẻ sau này.

Cha mẹ thường hay có xu hướng quyết định thay con cái. Tuy nhiên, bằng cách này, chúng ta có thể vô tình tước đi những kỹ năng tự đưa ra quyết định. Đây là điều quan trọng mà trẻ cần có khi trở thành người lớn.

Không thể trao trách nhiệm hoàn toàn

Chuyên gia cho rằng, với mỗi độ tuổi cha mẹ có thể rèn luyện con thế nào để bé dần học được kỹ năng tự quyết định. Thế nhưng, hãy cung cấp đủ thông tin cho trẻ trước khi để con được đưa ra lựa chọn.

Cô giáo Nguyễn Hương Giang, giáo viên Trường THCS Phan Chu Trinh (Hà Nội) chia sẻ, nhiều cha mẹ phản đối việc cho con tự quyết định. Đơn giản như lúc bé, nhiều trẻ đòi mặc trang phục theo ý thích của chúng. Trông chẳng giống ai cả. Còn khi lớn lên, chúng đòi cha mẹ phải tôn trọng sở thích, bạn bè hay chọn trường để học… Chính điều này đã khiến nhiều phụ huynh lên tiếng cho rằng, cứ để con cái tự quyết định thì sẽ khiến cha mẹ thêm lo lắng hơn mà thôi.

Tất nhiên, bạn không thể trao cho con trách nhiệm hoàn toàn trước một vấn đề quá hệ trọng nào đó. Thay vì như vậy, cha mẹ có thể dần dạy bé cách đưa ra quyết định phức tạp hơn khi con lớn lên.

Chuyên gia cho rằng, cần luôn khuyến khích con tự ra quyết định để làm gì và học gì. Có điều, cần phải cung cấp đủ thông tin và dạy con phân tích cùng mình để đưa ra quyết định, chứ không thể dựa trên cảm tính và ý thích nhất thời được. Mọi quyết định cần được cân nhắc kỹ và tốt nhất là tìm chuyên gia thực sự để hỏi han.

ThS Nguyễn Hồng Liên, giảng viên tâm lý Học viện Phát triển tư duy IG (Hà Nội) cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà thống kê cho thấy nhiều người giỏi thường có truyền thống “cha truyền, con nối”. Không phải là vì họ có gen sẵn. Mà vì họ được đào luyện và có đủ thông tin về ngành của họ từ khi còn bé.

Cách tốt nhất để bắt đầu “luyện tập” cho các bé là không nên đưa ra quá nhiều lựa chọn. Chẳng hạn, nếu bạn cho bé chọn bất kỳ thứ gì trong siêu thị. Sẽ xảy ra trường hợp bé bị thiếu quyết đoán do chọn thứ này lại tiếc thứ kia, hoặc ngược lại, bé muốn mọi thứ. Vì thế, hãy đưa cho bé 2 hoặc 3 lựa chọn trong các lần quyết định.

Khi con bạn bắt đầu trưởng thành hơn, bạn có thể đa dạng hóa các lựa chọn. Hơn nữa, cha mẹ có thể “nâng tầm quan trọng” của các sự việc cần lựa chọn. Chẳng hạn như chọn lựa giữa một sự kiện con muốn tham gia, hay chọn thời gian để ngủ. Sau đó, khi con đã tự ra quyết định của mình, hãy hướng dẫn bé nhìn nhận và hiểu ra đằng sau mỗi quyết định của con sẽ ảnh hưởng tới bé như thế nào.

Các chuyên gia tâm lý cũng dành lời khuyên rằng, cha mẹ nên cho con hiểu rằng, mình sẽ luôn hỗ trợ con dù cho có bất cứ vấn đề gì xảy ra. Hãy cho các bé biết, cha mẹ sẽ là người bạn đồng hành và ủng hộ con trong mọi việc, dấu mốc quan trọng của cuộc đời.

“Ở giai đoạn trưởng thành, trẻ thường mong muốn đưa ra những quyết định và cố gắng thực hiện nó trong mọi trường hợp. Thậm chí là chấp nhận trái ý của cha mẹ. Nếu không được xử lý khéo léo, nhiều khả năng sẽ có những xung đột quan điểm khác biệt giữa cha mẹ và các con” - Cô giáo Nguyễn Hương Giang, giáo viên Trường THCS Phan Chu Trinh (Hà Nội).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ