Muôn kiểu cầm cự mưu sinh khi doanh nghiệp cắt giảm lao động

GD&TĐ - Việc doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu, cắt giảm lao động, giờ làm đang tác động không nhỏ đến kinh tế của 'đầu tàu' Hà Nội.

Khu trọ của công nhân lao động tại huyện Đông Anh (Hà Nội).
Khu trọ của công nhân lao động tại huyện Đông Anh (Hà Nội).

Công nhân, lao động tìm nhiều cách khác nhau để cầm cự mưu sinh, có người bỏ nghề tìm cơ hội mới ở quê nhà.

Nhọc nhằn kiếm sống

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn khó khăn về đơn hàng nên đã cắt, giảm lao động, dẫn đến tình trạng lao động mất hoặc thiếu việc làm. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp dù vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhưng lại gặp khó trong việc tìm người, nhất là lao động đã qua đào tạo”.

Sáng đầu tuần, chị Trần Thu Thảo (28 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) đến Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội) để thực hiện thủ tục hồ sơ đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp.

“Tôi nghỉ việc đã một thời gian, hôm nay đến để được hướng dẫn các thủ tục hoàn thiện hồ sơ trợ cấp thất nghiệp…”, chị Thảo nói và cho hay qua trung tâm tìm kiếm cơ hội việc làm.

Theo chị Thảo, công ty chị trước đây chuyên về lĩnh vực xuất khẩu các mặt hàng giày dép, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp không có đơn hàng, doanh thu nên nhân sự bị cắt giảm gần hết chỉ giữ lại “bộ khung” là trưởng các bộ phận để duy trì.

Chị Đ. V. Hà, quê tỉnh Bắc Giang là công nhân một doanh nghiệp chuyên lắp ráp linh kiện điện tử tại KCN Bắc Thăng Long (Đông Anh) cho biết, từ đầu năm đến nay công ty bị cắt giảm đơn hàng. Vì thế, số giờ làm của công nhân cũng bị “cắt” theo.

Để duy trì hoạt động, cũng như có thể giữ được công nhân đã có kinh nghiệm làm việc, những tháng đầu năm công ty có chính sách xoay tua bằng cách cho công nhân ở một số bộ phận làm nửa tháng, nghỉ nửa tháng hoặc cho nghỉ việc hưởng 70% lương.

“Là người tỉnh lẻ phải đi thuê trọ, cộng với việc đang phải nuôi hai con nhỏ, nên việc bị giảm giờ làm, thu nhập của tôi không đủ để trang trải cuộc sống. Do vậy, hàng ngày cứ sau giờ tan ca tôi lại đi xe máy từ Đông Anh vào nội thành chạy grab kiếm thêm thu nhập”, chị Hà tâm sự.

Nữ công nhân này thông tin, hiện công việc ổn định hơn so với vài tháng trước, nhưng do đơn hàng vẫn chưa nhiều nên công nhân không được tăng ca, mà chỉ làm đủ số giờ theo quy định.

“Không có làm thêm giờ, lương của tôi hiện tại chỉ được khoảng 11 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập như vậy, cuộc sống của gia đình tôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn”, nữ công nhân này nói.

Khác với công ty của chị Hà, Ng. T. Phương, công nhân Công ty Hoya ở KCN Bắc Thăng Long cho biết, dù không phải nghỉ việc, hay phải xoay tua kiểu nửa tháng làm, nửa tháng nghỉ, nhưng nhiều tháng nay bộ phận sản xuất của cô cũng không được làm thêm giờ nên thu nhập có ảnh hưởng.

Nếu chỉ làm đủ giờ, thu nhập của Ng. T. Phương chừng 10 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập trên, cộng thêm thu nhập của chồng (cũng là công nhân) chỉ đủ chi phí thuê nhà, nuôi con ăn học mà không có tích lũy.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội) xác nhận: Có hiện tượng doanh nghiệp cắt giảm lao động, giờ làm đối với công nhân và người lao động.

Lý do, sau đại dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về phát triển kinh tế, sản xuất. “Doanh nghiệp lũy kế có hơn 300 nghìn, nhưng chỉ khoảng 200 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, có sức đề kháng tốt…”, ông Thành thông tin.

Thống kê của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội cho thấy, chưa có tình trạng doanh nghiệp cho công nhân người lao động nghỉ việc hàng loạt. Tuy nhiên có sụt giảm chỉ tiêu, giảm việc, giảm giờ làm để điều chỉnh phù hợp với nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Trong 5 tháng đầu năm 2023 có khoảng 29.000 lao động làm các thủ tục liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp.

Lao động phổ thông khó tìm việc mới

Người lao động làm thủ tục hỗ trợ thất nghiệp.

Người lao động làm thủ tục hỗ trợ thất nghiệp.

Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng lao động khối kinh tế, kỹ thuật, điện tử khá lớn. Mức lương các doanh nghiệp đưa ra khá hấp dẫn, từ 10 triệu đồng/tháng trở lên, chưa kể những khoản phụ cấp, chuyên cần, đi lại.

Dù đưa ra các chính sách đãi ngộ rất tốt, nhưng nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội vẫn khó tuyển lao động có tay nghề.

Đơn cử như Công ty Cổ phần Vinatro (số 1 Trần Thủ Độ, quận Hoàng Mai) tuyển dụng 5 nhân sự cho vị trí việc làm kinh doanh với mức lương cứng lên tới 10 triệu/tháng, chưa kể phụ cấp và doanh số. Tuy tuyển cả sinh viên mới ra trường, nhưng vẫn không tuyển được người.

Tương tự Công ty Cổ phần công nghệ Mobifone toàn cầu tuyển 5 nhân sự cho vị trí cán bộ kinh doanh dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin với ưu đãi cao. Công ty đưa ra tiêu chí cho ứng viên tốt nghiệp các chuyên ngành điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, thương mại, kinh tế, ngoại thương như: Tối thiểu một năm kinh nghiệm, tiếng Anh thành thạo…

Trái ngược với nhu cầu của các doanh nghiệp nói trên, ghi nhận của Báo GD&TĐ cho thấy, nhiều lao động phổ thông nếu đã nghỉ việc lại rất khó kiếm việc mới.

Anh Hoàng Văn Sơn (24 tuổi, quê Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, đến trung tâm để được tư vấn, giới thiệu việc làm. Theo anh Sơn, hiện nay do nhiều doanh nghiệp yêu cầu bằng cấp cao nên người mới tốt nghiệp THPT như anh rất khó có cơ hội tự tìm kiếm việc làm. “Mình chỉ tốt nghiệp THPT nên hơi khó tìm việc làm. Hôm nay đến đây để được tư vấn, giới thiệu công việc phù hợp”, anh Sơn nói.

Không chỉ ở khối sản xuất, anh Nguyễn Hoài Cương (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, anh làm dịch vụ thuộc hợp tác xã chuyên về xăng dầu cũng gặp khó khăn về lương, thưởng.

“Nếu như trước đây tổng thu nhập khoảng 170 triệu đồng/năm, nhưng 2 năm qua thu nhập của tôi chỉ còn khoảng 100 triệu đồng/năm, không đủ để chi phí sinh hoạt… Tôi đang tìm kiếm công việc mới và hoàn thiện hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp”, anh Cương nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.