Muỗi to bằng bàn tay gây tranh cãi trong giới nghiên cứu

GD&TĐ - Con muỗi bị bắt ở tỉnh Tứ Xuyên dài gấp 10 lần muỗi bình thường đang trở thành chủ đề tranh cãi giữa các nhà nghiên cứu côn trùng.

Muỗi to bằng bàn tay gây tranh cãi trong giới nghiên cứu

Con muỗi được cho là lớn nhất thế giới, sẽ xuất hiện trong buổi triển lãm ở một bảo tảng phía tây nam Trung Quốc trong tháng sau, theo South China Morning Post. Nhà côn trùng học người Trung Quốc Zhao Li phát hiện muỗi siêu lớn này trong lúc nghiên cứu thực địa ở núi Thanh Thành ở tỉnh Tứ Xuyên hồi tháng 8.

Với cơ thể dài 5 cm và sải cánh 11,15 cm, con muỗi dài gấp 10 lần muỗi thông thường và dài hơn 1/3 so với kích thước loài của nó là holorusia mikado. Đó là loài muỗi lớn nhất với sải cánh trung bình dài 8 cm, được phát hiện ở Nhật Bản năm 1876. Mẫu vật của Zhao đến từ họ Tipulidae.

Sau khi bắt con muỗi khổng lồ và tìm kiếm trên mạng, Zhao, người thu thập mẫu vật côn trùng trong hơn một thập kỷ, cho biết các nhà sưu tập khác tuyên bố sở hữu con muỗi lớn nhất, nhưng đó đều là mẫu vật lưu giữ trong bảo tàng hoặc có kích thước nhỏ hơn so với con của ông.

“Tôi xác nhận nó là con muỗi lớn nhất thế giới vào khoảng đầu năm. Tôi bắt được con muỗi hồi tháng 8 năm ngoái. Sau khi bắt nó, tôi nhanh chóng tạo mẫu vật bằng cách giết và làm đông cứng nó. Điều này nghe có vẻ độc ác, nhưng đối với côn trùng đây là cái chết không đau đớn”, Zhao chia sẻ.

Con muỗi sẽ được trưng bày trong triển lãm về côn trùng lạ ở bảo tàng của Zhao vào tháng 5. Với gần 700.000 mẫu vật từ 40 nước, đây là bảo tàng côn trùng lớn nhất châu Á.

Tuy nhiên, các chuyên gia đang tranh cãi liệu con côn trùng có đúng là muỗi hay không. Một số ý kiến cho rằng đó là ruồi hạc (crane fly).

Theo Zhao, từ "crane fly" là thuật ngữ chung trong tiếng Anh để chỉ toàn bộ họ muỗi, trong khi từ "mosquito" (muỗi) chỉ dùng để gọi những loài hút máu. Mẫu vật của ông không phải loài hút máu mà ăn ấu trùng. Trong tiếng Trung, từ "crane fly" được dịch nghĩa là "con muỗi lớn", thuật ngữ bao gồm cả loài không hút máu như holorusia mikado.

Benoit Guénard, trợ lý giáo sư ở Trường sinh học thuộc Đại học Hong Kong, xác nhận con côn trùng thuộc họ Tipulidae, có tên tiếng Anh là crane fly. Nhưng Guénard nhấn mạnh muỗi thuộc họ Culicidae và việc gọi con côn trùng này là muỗi là "lạm dụng ngôn ngữ".

Một nghiên cứu sinh ở Trung tâm Đa dạng sinh học Quốc gia Singapore, cũng xác nhận con côn trùng là ruồi hạc. Tuy nhiên, Patrick Grootaert cho biết việc gọi loài này là muỗi là điều bình thường. Trong tiếng Hà Lan, chúng được gọi là "muỗi chân dài".

Đây không phải lần đầu tiên Zhao bắt được côn trùng siêu lớn. Năm ngoái, ông tìm thấy con côn trùng lớn nhất thế giới, một con bọ que cái dài 64 cm. Zhao chia sẻ tìm những loài lớn khác thường cần hiểu biết và may mắn.

"Bạn chỉ có thể tìm thấy chúng nếu quen thuộc với môi trường có thể tồn tại côn trùng khổng lồ. Nhưng tất nhiên, chúng không phải vật bạn có thể lên kế hoạch bắt, bạn phải dựa nhiều vào may mắn". Hơn 800 loài muỗi lớn được phát hiện ở Trung Quốc, và 100 loài trong số đó phân bố ở Tứ Xuyên.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.