Mười năm vắng mẹ

GD&TĐ - Mười năm. Khoảng thời gian chưa phải đã dài, nhưng cũng chẳng còn quá ngắn tưởng có thể làm vơi bớt nỗi buồn đau, mất mát mà nhân vật thơ đã trải qua. Nhưng sự thực lại không được như vậy.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Mười năm vắng mẹ hè cũng lạnh

Mưa ngâu tức tưởi mỗi thu về

Ngưu Lang - Chức Nữ xưa mẹ kể

Cha ngồi nhắc lại hụt cơn mê

Mười năm vắng mẹ vườn cỏ mọc

Dế mèn đi lạc tuổi thơ con

Trên giàn hoa mướp gầy vàng vọt

Bậc cầu ao cha gắng gột nỗi buồn.

Mười năm vắng mẹ nhà chống chếnh

Ngõ buồn tênh nhớ tiếng chổi mẹ đưa

Câu hát ru nhớ giọng mẹ những trưa xưa

“Ầu ơ…” cha dỗ

động mưa trong lòng.

Khánh Hạ

Lời bình của Đặng Toán

Cái cảm giác chống chếnh mà có lẽ chỉ những ai ở vào trong hoàn cảnh đó mới thấm thía hết được. Nó xa xót, nó hẫng hụt đến mức khiến cho thiên nhiên cũng phải biến đổi, chẳng còn giữ nguyên được cái trạng thái đặc trưng vốn có nữa:

Mười năm vắng mẹ hè cũng lạnh

Mưa ngâu tức tưởi mỗi thu về

Trong mười năm vắng mẹ, cảnh vật gần gũi xung quanh ngôi nhà của nhân vật thơ đã trở nên ảm đạm, tiêu điều làm sao. Vườn tược thì cỏ hoang tràn lan mọc, cây cối, hoa màu thì gầy guộc, xác xơ.

Có vẻ như đấy là chuyện đương nhiên khi gia đình thiếu vắng bàn tay chăm sóc, vun vén của người mẹ? Điều này mới chỉ đúng phần nào. Cái mà tác giả muốn diễn tả ấy là sự xót xa, bất lực trước những dấu hiệu của tàn phai, lạnh lẽo ở cái nơi vốn được gọi là tổ ấm mà không có cách nào cứu vãn.

Hình ảnh ẩn dụ “Dế mèn đi lạc tuổi thơ con” và “Bậc cầu ao cha gắng gột nỗi buồn” lại càng khiến cho người đọc thảng thốt, ngậm ngùi trước hoàn cảnh đáng thương, vất vả của cảnh “gà trống nuôi con” âm thầm, lầm lũi.

Khổ cuối lại quay về tả cảm giác, nhưng lần này không chỉ là nỗi đau mất mát xen lẫn chút bực bội vô lí trẻ con kiểu “mưa ngâu tức tưởi” nữa. Cảm giác mất mát giờ thật hơn, lớn hơn và cũng đau hơn: “Nhà chống chếnh; ngõ buồn tênh; mưa động trong lòng”...

Còn gì xót xa hơn khi nhìn hình ảnh người cha phải ngồi hát ru con thay cho người mẹ đã bỏ đi (hay đã mất?).

“Ầu ơ”… cha dỗ

động mưa trong lòng

Câu thơ cuối gãy đôi, xuống dòng cùng dấu ba chấm (...) như những giọt mưa lòng tưởng không khi nào ngừng tuôn chảy.

Điệp ngữ “mười năm vắng mẹ” cứ đay đi đay lại như thể vẫn còn chưa muốn tin đó là sự thật.

Qua bài thơ nhỏ này tôi cứ mường tượng tác giả Khánh Hạ đang viết về chính hoàn cảnh của mình với một xúc cảm hết sức tự nhiên, chân thực. Không một lời oán thán, không một dòng than thân trách phận.

Tác giả chỉ dùng những câu chữ giản đơn, những hình ảnh rất đời thường mà tác phẩm vẫn có sức lay động tâm hồn người đọc. Phải chăng khi trái tim đã biết lắng lại những xót xa thì sự cảm thông, sự thấu hiểu sẽ là sợi dây gắn kết tình yêu thương máu thịt giữa những thành viên trong mỗi gia đình?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trao quà Tết cho học trò nghèo tại huyện Krông Bông, Đắk Lắk. (Ảnh: HT)

Lặng thầm trao gửi yêu thương

GD&TĐ - Thời gian qua, Báo GD&TĐ tại miền Trung - Tây Nguyên thường xuyên phối hợp Hội nội thất ô tô Tây Nguyên hỗ trợ học bổng, quà cho học trò nghèo.

Trịnh Ngọc Thanh Tú nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: TT

Nữ sinh phố núi ước mơ thành cô giáo

GD&TĐ - Trịnh Ngọc Thanh Tú - lớp 12A1, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) luôn nuôi ước mơ làm cô giáo để nối tiếp truyền thống gia đình.