Mũi 1 tiêm Moderna, mũi 2 có thể thay thế bằng loại nào?

GD&TĐ - Các chuyên gia dẫn chứng, một số quốc gia đã có khuyến cáo về việc tiêm theo lịch mũi 1 là vắc-xin Moderna và mũi 2 là vắc-xin Pfizer (hoặc ngược lại).

Canada và Anh khuyến cáo có thể tiêm theo lịch mũi 1 là vắc-xin Moderna và mũi 2 là vắc-xin Pfizer. Ảnh minh họa.
Canada và Anh khuyến cáo có thể tiêm theo lịch mũi 1 là vắc-xin Moderna và mũi 2 là vắc-xin Pfizer. Ảnh minh họa.

Đây là phương pháp được đưa ra khi không có loại vắc-xin sẵn và đã trì hoãn lịch tiêm trên 8 tuần.

Hiệu quả mũi 1 kéo dài

Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều khu vực như Quận 11, quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức… đã tổ chức tiêm ngừa vắc-xin mũi 2 là Pfizer cho những người dân trước đó tiêm mũi 1 là vắc-xin Moderna. Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh - cho biết, lượng vắc-xin đang hạn chế. Khi tiêm vắc-xin thay thế, thành phố cũng như ngành y tế sẽ chọn loại vắc-xin phù hợp, an toàn và hiệu quả nhất cho người dân.

Trong bối cảnh này, không ít người lo ngại, việc quá thời gian tiêm giữa 2 mũi có thể khiến hiệu quả vắc-xin giảm. Chia sẻ về vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Hiền Minh - Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết: “Khoảng thời gian tối thiểu giữa 2 liều vắc-xin là thời gian cần thiết để kích thích trí nhớ miễn dịch. Khi các tế bào nhớ của hệ miễn dịch đã hình thành, việc tiêm những mũi vắc-xin tiếp theo, nếu muộn hơn, cũng không làm trí nhớ miễn dịch mất đi hoàn toàn”.

Chuyên gia này dẫn chứng, đánh giá trong thử nghiệm lâm sàng cấp phép của Moderna cho thấy, ngay cả khi tiêm một liều, hiệu lực bảo vệ chung của vắc-xin (1 - 108 ngày) đạt 80%, sau tối thiểu 14 ngày là 92,1%.

Nghiên cứu đánh giá vắc-xin trong thế giới thực ở Ontario (Canada) cho thấy, sau tối thiểu 14 ngày tiêm một liều Moderna, hiệu quả giảm bệnh Covid-19 có triệu chứng là 72% với biến thể Delta và 83% với biến thể Alpha.

Trong khi đó, nghiên cứu ở Quebec (Canada) trên những người tiêm vắc-xin Pfizer và    Moderna, với hơn 1/2 là người già 60 - 74 tuổi, hiệu quả bảo vệ giảm nhập viện do Covid-19 đạt hơn 95%. Hiệu quả kéo dài đến 16 tuần với mũi tiêm duy nhất.

“Nghiên cứu khác ở Mỹ đánh giá về lịch tiêm tiêu chuẩn và lịch tiêm trì hoãn mũi 2 của vắc-xin Pfizer và Moderna với tình trạng nhiễm, nhập viện và tử vong. Vắc-xin vẫn đạt được giá trị lợi ích tối đa với khoảng cách 12 - 15 tuần. Riêng với vắc-xin Moderna, trì hoãn mũi 2 ít nhất 9 tuần có thể tối đa hóa hiệu quả của chương trình tiêm chủng”, ThS.BS Nguyễn Hiền Minh cho biết.

Theo chuyên gia này, trong tình huống bất khả kháng, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo: “Nếu vắc-xin mRNA liều đầu tiên không thể xác định được đã tiêm loại nào, bất kỳ vắc-xin mRNA Covid-19 nào có thể được sử dụng cho liều thứ hai với khoảng cách tối thiểu 28 ngày giữa hai liều tiêm”.

Ngoài ra, trong các tình huống tạm thời không có cùng loại vắc-xin mRNA, tốt hơn là trì hoãn liều thứ hai. Như vậy, người được tiêm chủng sẽ nhận cùng loại vắc-xin, thay vì phối hợp khác loại.

Khả năng an toàn và hiệu quả

Ngày 27/7, Bộ Y tế có công văn hướng dẫn tiêm 2 liều vắc-xin phòng Covid-19. Để việc triển khai tiêm chủng an toàn, tăng diện bao phủ và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vắc-xin từ các nguồn khác nhau, Bộ Y tế hướng dẫn: Những người đã tiêm mũi 1 vắc-xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vắc-xin đó.

Trong trường hợp nguồn vắc-xin hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vắc-xin do Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc-xin do AstraZeneca sản xuất, nếu người được tiêm chủng đồng ý.
Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8 - 12 tuần. Không sử dụng vắc-xin do Moderna sản xuất hoặc các vắc-xin khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca. 

“Nếu buộc phải tiêm phối hợp hai vắc-xin mRNA Covid-19 khác nhau trong những trường hợp bất khả kháng, sau khi hoàn tất 2 mũi tiêm vắc-xin, không cần bổ sung liều nào của vắc-xin mRNA nữa. Những người được tiêm chủng xem như đã được bảo vệ (sau 2 tuần tiêm mũi thứ hai) và đã hoàn thành lịch tiêm vắc-xin Covid-19.

Một số quốc gia như Canada và Anh đã có những khuyến cáo về việc có thể tiêm theo lịch mũi 1 là vắc-xin Moderna và mũi 2 là vắc-xin Pfizer (hoặc ngược lại) khi không có loại vắc-xin sẵn và đã trì hoãn lịch tiêm trên 8 tuần”, ThS.BS Nguyễn Hiền Minh chia sẻ.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Huỳnh - Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ) - cho biết, nhiều loại vắc-xin sản xuất với công nghệ, chất bảo quản cũng như thành phần khác nhau.

Do đó, tiêm trộn vắc-xin sẽ tăng rủi ro phản ứng của hệ miễn dịch, đặc biệt là sốc phản vệ. Vì vậy, điểm quan trọng nhất khi tiêm trộn vắc-xin là hỏi kỹ bệnh sử của bệnh nhân. Nhờ đó, tìm ra các bệnh nhân rủi ro với phản ứng phụ của vắc-xin.

Theo chuyên gia này, Bệnh viện Fraser Health (Canada) đã cho phép tiêm trộn vắc-xin Moderna và Pfizer. Trang web của bệnh viện cũng chỉ ra rằng, việc tiêm trộn 2 loại này hiệu quả và an toàn.

“Còn nhiều dữ liệu chưa có về trộn vắc-xin. Tuy nhiên, chích trộn các loại vắc-xin có thể an toàn và tăng hiệu quả, nhất là trong bối cảnh biến thể Delta đang lan rộng, nhiều nước chưa có đủ vắc-xin Covid-19.

Hiện nay, cách tốt nhất vẫn là dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất/CDC. Sau đó, tùy vào tình hình mỗi nước, có thể trộn các loại vắc-xin Covid-19 với nhau”, PGS.TS Trần Huỳnh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ