Thông tin trên báo chí, TS BS. Nguyễn Huy Luân - ThS. BS. Nguyễn Hiền Minh (Đơn vị Tiêm chủng - Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh) cho biết, sau tiêm vắc xin Pfizer phòng Covid-19, người được tiêm có thể gặp phản ứng như đau đầu, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại chỗ tiêm.
Đây là những phản ứng rất phổ biến, thường có cường độ nhẹ/vừa và khỏi trong vòng một vài ngày sau khi tiêm.
Ngoài ra, người tiêm cũng có thể buồn nôn, mẩn đỏ chỗ tiêm.
Những phản ứng không phổ biến như: Nổi hạch, mất ngủ, đau tứ chi, khó chịu, ngứa chỗ tiêm. Hiếm gặp phản ứng liệt mặt ngoại biên cấp tính với người sau tiêm vắc xin này.
Nghiên cứu tại một số quốc gia, sau khi tiêm mũi 1 AstraZeneca và mũi 2 Pfizer cho thấy miễn dịch sinh ra là tương đương với việc tiêm 2 mũi Pfizer và cao hơn so với việc tiêm 2 mũi AstraZeneca.
Tuy nhiên việc tiêm AstraZeneca mũi 1 và Pfizer mũi 2 có thể tăng nhẹ phản ứng thông thường sau tiêm chủng.
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, sau tiêm, người được tiêm cần tự theo dõi sức khoẻ trong 28 ngày, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu. Sau tiêm, cán bộ tiêm chủng sẽ cung cấp phiếu Hướng dẫn người được tiêm chủng tự theo dõi sau tiêm vắc xin Covid-19.
Trong đó, 3 ngày đầu sau tiêm luôn có người hỗ trợ 24/24 và người tiêm không được uống rượu bia.
Đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu sau tiêm vắc xin Pfizer
Chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lưu ý, cần đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu:
Phản ứng phản vệ xuất hiện trong ngày đầu sau tiêm: Ngứa, sưng môi/lưỡi, tê bì tay chân, co quắp tay chân, phát ban/mẩn đỏ toàn thân, phù mặt, buồn nôn, nôn, đau bụng, khó thở….
Các dấu hiệu giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch, đông máu xuất hiện từ ngày thứ 4 -28 ngày sau tiêm: Đau đầu dai dẳng, dữ dội, các triệu chứng thần kinh khu trú: yếu, liệt tay chân, co giật, hoặc mờ hoặc nhìn đôi …
Các dấu hiệu viêm cơ tim thường từ ngày thứ 2 - 4 ngày sau tiêm: đau ngực, khó thở, rối loạn nhịp tim.
Các đối tượng có bệnh lý có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định phải được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng vaccne Covid-19 tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.
Bạn không được tự ý ngừng thuốc đang điều trị vì lý do tiêm vắc xin Covid-19, và ngày đi tiêm vắc xin bạn cần đem toa thuốc và bệnh án đang điều trị để được bác sĩ tư vấn cụ thể.
Vừa qua, GS.TS. Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 đã bắt đầu triển khai từ ngày 10/7/2021 với mục tiêu trên 70% dân số được tiêm vắc xin phòng Covid-19 đến hết tháng 4/2022.
Hiện nay, hướng dẫn của các nhà sản xuất vắc xin đều khuyến cáo sử dụng cùng một loại vắc xin phòng Covid-19 để tiêm đủ liều cho một đối tượng.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong bối cảnh nguồn cung vắc xin phòng Covid-19 rất hạn chế, việc tiếp cận nguồn cung để có đủ vắc xin tiêm mũi 2 ngay khi đến lịch tiêm cho các đối tượng đã được tiêm mũi 1 của cùng 1 loại vắc xin là rất khó khăn. Một số quốc gia đã xem xét và triển khai tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca và tiêm mũi 2 bằng vắc xin của Pfizer....
Theo ghi nhận nhanh tại các quốc gia này, việc triển khai tiêm chủng 2 mũi vắc xin khác loại như trên cho cùng một đối tượng vẫn có hiệu lực bảo vệ phòng Covid-19. Tuy nhiên, khi tiêm hai loại vắc xin AstraZeneca và Pfizer có ghi nhận gia tăng một số phản ứng thông thường sau tiêm chủng.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và của các nhà sản xuất thì tốt nhất là mỗi người cần tiêm đủ liều của cùng 1 loại vắc xin phòng Covid-19.
Tuy nhiên, căn cứ số lượng vắc xin được cung ứng, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cho các địa phương như sau: “trường hợp số lượng vắc xin hạn chế thì ưu tiên sử dụng vắc xin của Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vắc xin AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý”. Những trường hợp tiêm chủng như vậy phải được theo dõi sức khỏe chặt chẽ hơn sau khi tiêm chủng.
Người trên 65 tuổi, người mắc bệnh, người béo sẽ được tiêm vắc xin Covid-19 ở đâu?
TP HCM vừa có kế hoạch chuẩn bị tiêm chủng vắc xin Covid-19 đợt 5, trong đó, người mắc bệnh (thận mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), người có tình trạng béo phì và người trên 65 tuổi sẽ được tiêm ở bệnh viện; những đối tượng còn lại sẽ được tiêm ở các điểm cộng đồng.
Để công tác tổ chức tiêm chủng được thuận lợi, an toàn, kịp tiến độ, Sở Y tế đề nghị Phòng Y tế và Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức tổng hợp và gửi danh sách người trên 65 tuổi, người mắc bệnh và người có tình trạng béo phì có hộ khẩu trên địa bàn đến các bệnh viện được phân công tiêm.
Theo Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 vừa được Bộ Y tế ban hành hôm 15/7, áp dụng trên toàn quốc, người có bệnh mãn tính đang tiến triển; người đang bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, đã cắt lách, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, corticoid liều cao (tương đương hoặc hơn 2mg prednisolon/kg/ngày trong ít nhất 7 ngày); người mắc bệnh cấp tính... thì thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng.
Người trên 65 tuổi, người có tiền sử bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định; Tiền sử rối loạn đông máu/cầm máu hoặc đang dùng thuốc chống đông thì phải chuyển tiêm chủng và theo dõi tại bệnh viện.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà thông tin, người trên 65 tuổi vẫn nên đăng ký tiêm chủng vắc xin Covid-19. Những trường hợp này nên lưu ý, khi đăng ký tiêm chủng trực tuyến cần điền thông tin cụ thể vào cột (trên 65 tuổi) trong phiếu. Căn cứ vào tình hình sức khoẻ của những người trên 65 tuổi sẽ quyết định việc họ được tiêm hay không.
Nếu người trên 65 tuổi sau khi được khám lâm sàng mà sức khoẻ của họ hoàn toàn bình thường thì có thể chỉ định tiêm ở bệnh viện. Do đó, người dân cần điền đầy đủ thông tin trên phiếu đăng ký tiêm chủng.