Mục tiêu Việt Nam trở thành “cứ điểm” sản xuất tivi, điện thoại: Lao động còn thiếu nhiều kỹ năng

GD&TĐ - Việt Nam còn hấp dẫn nhà đầu tư đối với phát triển công nghiệp hạ nguồn (chủ yếu ở công đoạn gia công, lắp ráp), do công nghiệp hỗ trợ (CNHT) kém phát triển. Trong khi, đó chính là những ngành có thể tận dụng nhân lực dồi dào và giá lao động rẻ để duy trì lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, trong lĩnh vực điện tử (ICT), phàn nàn của các nhà đầu tư nước ngoài thường liên quan đến việc thiếu lao động có kỹ năng ngoại ngữ, quản lý và kỹ năng kỹ thuật.

Nhiều lao động trong các doanh nghiệp được đào tạo dưới hình thức vừa học vừa làm
Nhiều lao động trong các doanh nghiệp được đào tạo dưới hình thức vừa học vừa làm

Làm mới ngành công nghiệp hỗ trợ?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Trong năm 2018, khoảng 2.000 doanh nghiệp (DN) sản xuất phụ tùng, linh kiện và trên 1.500 DN sản xuất vật liệu cho ngành dệt may, da giày (chiếm gần 4,5% tổng số DN của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo). Các DN CNHT tạo việc làm cho hơn 600.000 người, tương đương với 8% lao động toàn ngành với doanh thu thuần sản xuất kinh doanh trong năm 2018 ước đạt trên 900.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 11% trong tổng doanh thu ngành chế biến, chế tạo.

Theo Bộ Công Thương, đến nay, các doanh nghiệp nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm CNHT. Một số DN Việt Nam đã tham gia cung ứng sản phẩm CNHT, tuy nhiên rất ít DN có chiến lược dài hạn, đầu tư chiều sâu về thiết bị, công nghệ, quản lý, trong đó có nhân lực.

GS Kennichi Ohno (Viện nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản) cho rằng: Muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam phải có chính sách cốt lõi để hỗ trợ cho DN trong nước phát triển, cải thiện năng lực cạnh tranh cho DN cũng như xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo mối liên kết chặt chẽ bền vững giữ DN trong nước và DN FDI để chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm sản xuất. Đặc biệt, từ kinh nghiệm phát triển công nghiệp của Nhật Bản, Việt Nam cần sử dụng chính nhân lực, nguồn lực của mình để thực hiện các đề án, dự án thí điểm, qua đó nhân rộng các mô hình. 

Chất lượng nhân lực thấp là một nút thắt không dễ gỡ. Trong khi đó, CNHT là ngành yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đánh giá của các chuyên gia, nội dung đào tạo tại các trường kỹ thuật Việt Nam hiện lạc hậu, không gắn với thực tiễn sản xuất, cùng với sự mất cân đối trong phát triển kinh tế, tạo ra tâm lý lao động xã hội chỉ quan tâm đến các ngành thương mại và dịch vụ, khiến nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp nói chung và CNHT nói riêng thiếu cả về lượng và chất.

Các xung đột về thương mại gần đây càng đẩy nhanh quá trình dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu. “Chiến lược Trung Quốc + 1” đang được các công ty đa quốc gia theo đuổi để tìm một nước ngoài Trung Quốc, nhằm tránh xu hướng tiền lương nhân công đang gia tăng nhanh chóng tại quốc gia này, nhưng nước “thay thế” ấy cần phải đủ gần để có thể xuất khẩu ngược trở lại Trung Quốc. Với tiêu chí nêu trên, cùng việc gia nhập hàng loạt hiệp định thương mại tự do trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang là lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây sẽ là một quá trình sắp xếp lại nguồn lực và quá trình tái cơ cấu chuỗi ngành nghề trên toàn cầu, cũng như ở Việt Nam. Vấn đề này không thể thực hiện trong thời gian ngắn, nếu Việt Nam không sớm nâng cấp trình độ sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa.

Hiện nay, chi phí nhân công Việt Nam đang tăng lên, nếu tăng đến một mức nhất định sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh. Khi các ưu đãi hết thời hạn, nếu CNHT trong nước không phát triển để cắt giảm giá thành sản phẩm, rất có thể các tập đoàn đa quốc gia sẽ di chuyển cơ sở sản xuất sang quốc gia khác hấp dẫn hơn.

Không dễ để Việt Nam trở thành “cứ điểm” sản xuất điện thoại, tivi… của thế giới
  • Không dễ để Việt Nam trở thành “cứ điểm” sản xuất điện thoại, tivi… của thế giới

Đừng để mặt “mạnh” thành điểm “yếu”

Một thực tế được chỉ thẳng ra gần đây là rất thiếu sự gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Theo World Bank, việc thiếu kỹ năng lao động đang cản trở các DN vừa và nhỏ Việt Nam liên kết và duy trì quan hệ kinh doanh với FDI. Hạn chế này tồn tại ở nhiều ngành, mặc dù các bộ kỹ năng cụ thể theo yêu cầu của từng ngành có thể khác nhau. Trong lĩnh vực điện tử (ICT), các phàn nàn thường liên quan đến việc thiếu lao động có kỹ năng ngoại ngữ, quản lý và kỹ năng kỹ thuật.

Mặc dù Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với khoảng 54% dân số trong độ tuổi lao động, nhưng trên 67% lao động nông thôn có trình độ thấp. Các doanh nghiệp chế biến, chế tạo và CNHT gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động đáp ứng được các yêu cầu công việc của DN, đặc biệt là lao động tay nghề cao.

Phần lớn lao động tại các DN CNHT là lao động phổ thông, được đào tạo dưới hình thức vừa học vừa làm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, đặc biệt là có kỹ năng đáp ứng yêu cầu của DN rất thấp và luôn trong tình trạng khan hiếm. Trình độ của đội ngũ quản lý, lãnh đạo DN CNHT của Việt Nam còn hạn chế.

Ông Ryu Kilsang (Giám đốc Truyền thông của Công ty Samsung Việt Nam) chia sẻ: Với mong muốn biến Việt Nam trở thành “cứ điểm” sản xuất điện thoại di động, tivi và thiết bị điện tử gia dụng của Samsung trên toàn cầu,

Samsung Việt Nam đã và đang phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện chương trình đào tạo nhằm trang bị cho các chuyên gia tư vấn Việt Nam có đủ năng lực để tư vấn và đào tạo lại cho các DN cung ứng trong ngành CNHT của Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ