Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 28 tháng 1 cho biết nước này đã tiếp nhận khoảng 90 tên lửa phòng không Patriot bị Israel loại biên, sau đó chuyển chúng cho quân đội Ukraine.
Vận tải cơ C-17 Mỹ đã chuyển lô tên lửa nói trên từ căn cứ Hatzerim ở miền nam Israel tới thành phố Rzeszow của Ba Lan, nơi đóng vai trò là trung tâm vận chuyển vũ khí viện trợ cho Ukraine.
Những thành phần khác của tổ hợp Patriot mà Israel đã loại biên, trong đó có radar hỏa lực, sẽ được bàn giao cho Ukraine sau khi được tân trang tại Mỹ.
Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Israel xác nhận nước này đã trả lại ít nhất một tổ hợp Patriot cho Mỹ, song chưa biết liệu nó có được bàn giao cho Ukraine hay không.
Quân đội Israel (IDF) từng vận hành khoảng 10 khẩu đội Patriot PAC-2/GEM+ và nhiều lần nâng cấp sâu, giúp chúng sở hữu những tính năng như phiên bản PAC-3 hiện đại nhất của Mỹ.
Năm 2024, IDF đã loại biên và niêm cất toàn bộ tổ hợp Patriot do kém hiệu quả, nhiều lần để lọt mục tiêu. Các cuộc thảo luận về chuyển tên lửa Patriot của Israel cho Ukraine bắt đầu từ mùa hè năm 2024.
Một quan chức tại IDF tiết lộ rằng nước này đã thông báo trước cho Nga về động thái trả hệ thống Patriot cho Mỹ và cam kết không cung cấp vũ khí cho Ukraine. Israel từng chuyển đạn pháo cho Mỹ vào năm 2023, trước khi Washington viện trợ chúng cho Kiev.
Mỗi khẩu đội Patriot hoàn chỉnh gồm một xe một đài radar cảnh giới và dẫn bắn, xe phát điện, đài thông tin liên lạc cùng 6-8 bệ phóng. Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, mỗi khẩu đội Patriot có giá khoảng 1,1 tỷ USD.
Trước khi xuất hiện thông tin Mỹ chuyển thêm đạn tên lửa Patriot cho Ukraine, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố, vũ khí có thể chặn đứng đòn tấn công của tên lửa siêu thanh Oreshnik chính là Patriot.
"Ukraine đang phối hợp với các đối tác để tìm cách phản ứng và Kiev đang cần thêm hệ thống phòng không đủ mạnh. Đối tác phương Tây của chúng tôi có những vũ khí đủ sức chống lại mối đe dọa từ Oreshnik và những tên lửa tối tân khác của Nga", ông Zelensky tuyên bố.
Giám đốc điều hành công ty tư vấn rủi ro Sibylline ở Anh, Justin Crump nhận xét: "Rất ít khí tài đạt được tốc độ như Oreshnik. Tên lửa bay càng nhanh, thời gian đến mục tiêu càng ngắn và hạn chế đáng kể năng lực phản ứng của đối phương".
Tên lửa đạn đạo truyền thống thường bay tới mục tiêu theo quỹ đạo dạng parabol dễ dự đoán. Tên lửa hiện đại như Oreshnik còn có thể thay đổi độ cao và đổi hướng, tạo ra đường bay phức tạp nhằm gây khó khăn cho các hệ thống phòng không tiên tiến.
"Đây không phải vấn đề mới mẻ, nhưng vẫn là thách thức không hề nhỏ với các cường quốc quân sự. Đó là lý do Tổng thống Putin nhấn mạnh vào yếu tố tốc độ khi công bố thông tin về Oreshnik", giám đốc Crump nói.
Ivan Kyrychevsky, chuyên gia quân sự Ukraine cũng thừa nhận nước này không sở hữu radar có thể phát hiện loại mục tiêu bay nhanh như Oreshnik, cũng không có hệ thống phòng không đủ sức bắn hạ chúng.
"Các đối tác phương Tây có thể đã phát hiện vụ phóng trước Ukraine bởi Nga đã thông báo cho họ trước khi vụ phóng diễn ra, nhưng đánh chặn Oreshnik là điều không thể ở thời điểm hiện tại", ông nói.