Mực nước biển tiếp tục dâng dù Trái đất không nóng lên

GD&TĐ - Các nhà nghiên cứu cảnh báo, ngay cả khi mức nóng lên toàn cầu của Trái đất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, nước biển vẫn sẽ dâng cao trong nhiều thế kỷ tới.

Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong kịch bản nước biển dâng sẽ là châu Á.
Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong kịch bản nước biển dâng sẽ là châu Á.

Nghiên cứu có sự tham gia của các nhà khoa học từ Đại học Princeton (Mỹ) và Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam (Đức).

Báo cáo trên tờ Environmental Research Letters, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, nếu thế giới nóng hơn nửa độ so với mục tiêu đặt ra là 1,5 độ C, sẽ có thêm 200 triệu cư dân thành thị chìm sâu trong nước biển. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong kịch bản này sẽ là châu Á - nơi chiếm 9/10 thành phố lớn có nguy cơ cao nhất.

Trong khi đó, nơi sinh sống của hơn 1/2 dân số Bangladesh và Việt Nam sẽ nằm dưới đường triều cường. Các khu vực đất liền ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia cũng sẽ phải đối mặt với sự tàn phá này.

Nhóm nghiên cứu cảnh báo, các đại dương sẽ tiếp tục mở rộng trong hàng trăm năm sau năm 2100, dù lượng khí thải nhà kính được giảm mạnh đến mức nào.

Ông Ben Strauss - Giám đốc điều hành kiêm nhà khoa học chính của tổ chức phi lợi nhuận Climate Central, cho biết: “Khoảng 5% dân số thế giới ngày nay sống trên vùng đất thấp hơn - nơi mực nước thủy triều dự kiến​ tăng lên, dựa trên mức carbon dioxide mà hoạt động của con người đã thải vào bầu khí quyển”.

Nồng độ CO2 ngày nay cao hơn 50% so với năm 1800. Trong khi đó, nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái đất đã tăng 1,1 độ C. Theo ông Strauss, điều đó đủ để đẩy mực nước biển lên gần hai mét, cho dù là trong 2 hay 10 thế kỷ tới.

Theo nghiên cứu, trừ khi các chuyên gia tìm ra cách loại bỏ lượng lớn CO2 khỏi bầu khí quyển nhanh chóng, tình trạng nước biển dâng xảy ra chỉ còn là vấn đề thời gian. Nếu nỗ lực kiểm soát khí nhà kính thất bại, nhiệt độ Trái đất có thể tăng 4 độ C so với giữa thế kỷ 19.

Tình trạng ấm lên nhiều như vậy sẽ khiến các đại dương trên toàn cầu dâng cao thêm từ 6 - 9 mét. Từ đó, khiến các thành phố hiện là nơi sinh sống của gần một tỷ người phải xây dựng hệ thống phòng thủ khổng lồ hoặc tái xây dựng trên những vùng cao hơn.

Riêng ở Trung Quốc, vùng đất mà 200 triệu người sống ngày nay sẽ giảm xuống dưới triều cường trong kịch bản Trái đất nóng lên 3 độ C. Mối đe dọa này thậm chí có thể khiến hàng chục triệu người dân Trung Quốc không có nơi ở trong vòng 80 năm.

“Trái đất nóng lên 1,5 độ C sẽ vẫn dẫn đến sự gia tăng nghiêm trọng của mực nước biển. Chúng ta đang ở trong tình trạng tồi tệ. Tuy nhiên, không bao giờ là quá muộn để thực hiện tốt hơn. Thậm chí, sự khác biệt mà chúng ta có thể tạo ra là rất lớn”, ông Strauss cho biết.

Các nhà khoa học cảnh báo, khi nhiệt độ của Trái đất ở mức cao hơn, nguy cơ băng tan là vô cùng lớn. Thậm chí, nhiệt độ cao có thể khiến khí CO2 và metan trong lớp băng tan được giải phóng. Trong khi đó, nhóm nghiên cứu cho biết, việc giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức thấp nhất có thể giúp con người có thời gian để thích nghi.

“Gần như chắc chắn rằng, nước biển sẽ dâng chậm hơn trong một thế giới ấm hơn 1,5 độ C hoặc 2 độ C”, ông Strauss nhận định.

Theo Phys

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.