Mức độ tự nhận thức của chim cánh cụt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ba nhà nghiên cứu Prabir Ghosh Dastidar, Azizuddin Khan và Anindya Sinha đã đăng báo mô tả nghiên cứu về hành vi của chim cánh cụt Adélie ở Nam Cực.

Các nhà nghiên cứu quan sát phản ứng của loài vật khi chúng nhìn thấy mình trong gương.
Các nhà nghiên cứu quan sát phản ứng của loài vật khi chúng nhìn thấy mình trong gương.

Các nhà nghiên cứu thuộc Bộ Khoa học Trái đất của chính phủ, Viện Công nghệ Ấn Độ Bombay và Viện Nghiên cứu Cao cấp Quốc gia (Ấn Độ) đã phát hiện ra rằng, một số loài chim cánh cụt hoang dã có thể có mức độ nào đó của sự tự nhận thức.

Ba nhà nghiên cứu Prabir Ghosh Dastidar, Azizuddin Khan và Anindya Sinha đã viết một bài báo mô tả nghiên cứu về hành vi của chim cánh cụt Adélie ở Nam Cực. Nghiên cứu hiện được công bố trên kho lưu trữ bioRxiv.

Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, khả năng tự nhận thức là rất hiếm trong thế giới động vật. Đến nay, chỉ một số loài động vật có vú, một số loài chim và cá được phát hiện là có khả năng này. Ở người, đó là một điều dễ dàng để kiểm tra.

Tuy nhiên, để tìm hiểu khả năng này ở động vật, các nhà nghiên cứu cần thực hiện một số công việc. Hầu hết, các nghiên cứu tìm hiểu về nhận thức ở động vật đều sử dụng thử nghiệm gương. Trong đó, động vật được nhìn thấy mình trong gương. Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ quan sát phản ứng của loài vật.

Tự nhận thức thường liên quan đến việc các đối tượng ghi nhận điều gì đó về bản thân, cũng như hình ảnh phản chiếu của mình. Trong nỗ lực mới này, các nhà nghiên cứu tự hỏi liệu chim cánh cụt có khả năng tự nhận thức hay không.

Để tìm hiểu, họ đã đến đảo Svenner ở phía Đông Nam Cực. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã quan sát phản ứng của chim cánh cụt Adélie khi chúng nhìn thấy hình ảnh của mình trong gương.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành bốn thí nghiệm. Thí nghiệm đầu tiên là đặt một số tấm gương trên mặt đất gần những con chim cánh cụt. Nhóm quan sát khi những con chim cánh cụt ngẫu nhiên nhìn xuống chúng. Thử nghiệm thứ hai liên quan đến việc xây dựng một hàng rào bằng bìa cứng xung quanh một số con chim cánh cụt để hướng chúng về phía những chiếc gương ở cuối hàng rào.

Thử nghiệm thứ ba là đặt những miếng dán nhãn nhỏ trên gương mà khi nhìn vào, nó trông như thể đang ở trên con chim cánh cụt. Thí nghiệm cuối cùng liên quan đến việc đặt một chiếc yếm lên những con chim cánh cụt ngẫu nhiên được đặt trước gương.

Các nhà nghiên cứu không tìm thấy phản ứng nào trong thí nghiệm đầu tiên. Thực tế, nhiều loài động vật đã thất bại trong cuộc thử nghiệm như vậy khi chúng tin rằng, sinh vật trong gương là một loài khác.

Trong thí nghiệm thứ hai, những con chim cánh cụt di chuyển theo cách gợi ý rằng, chúng có thể đang tự kiểm tra. Những chú chim cánh cụt cũng trở nên kích động khi nhìn vào gương có dán nhãn và chủ động tìm cách gỡ chúng ra. Song, chúng không phản ứng khi nhìn thấy mình đeo một chiếc yếm.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, kết quả còn khá mơ hồ. Tuy nhiên, nhóm lưu ý rằng, các phát hiện cho thấy, chim cánh cụt đã thể hiện một số mức độ tự nhận thức.

Theo Phys

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ