Trong phần chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Nguyễn Anh Sơn nêu vấn đề về vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm còn nhiều ý kiến đánh giá khác nhau.
Tại sao Nguyễn Đức Kiên không có tình tiết giảm nhẹ vẫn được hưởng mức án thấp. Mức án có đủ sức răn đe không? Tại sao phiên tòa từ khi diễn ra đến tuyên án đại diện Viện KS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố, còn các bị cáo thì khăng khăng mình vô tội, phải chăng quy định pháp luật có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau?
Chánh án Trương Hòa Bình lý giải: Nguyễn Đức Kiên bị đại diện Viện KSND đề nghị 18 - 24 tháng tù về tội Kinh doanh trái phép, 4 - 5 tù tội Trốn thuế, 16 - 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 14 - 15 tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng. Hội đồng Xét xử đều phạt các mức án cao hơn mức đề nghị.
Tuy nhiên đây là trường hợp phạm nhiều tội, theo Điều 50 của Bộ Luật Hình sự việc cộng các hình phạt được cộng thành hình phạt chung, hình phạt chung không được vượt quá 30 năm tù đối với phạt tù có thời hạn.
"Như vậy TAND TP Hà Nội đã tuyên cao hơn đề nghị của Viện KSND, mức án 30 năm tù so với đời người là không thấp. Bên cạnh đó Tòa còn phạt gấp 3 lần số tiền trốn thuế là 75 tỷ đồng, phạt 100 triệu đồng tội lừa đảo và cấm hành nghề ngân hàng với Nguyễn Đức Kiên" - Chánh án Trương Hòa Bình cho biết.
Cũng theo Chánh án TAND Tối cao, TAND TP Hà Nội còn khởi tố tiếp 2 vụ án hình sự tại tòa, xem xét trách nhiệm của nhiều người khác.
"Bản án tuyên khá toàn diện, tôi với trách nhiệm và vai trò của Chánh án TAND Tối cao phải tôn trọng quyết định của HĐXX, nếu có kháng cáo, kháng nghị sẽ xem xét theo quy định của pháp luật" - Ông Bình cho hay.