Mùa Xuân nghe chuyện về lòng biết ơn

GD&TĐ - Tôi gặp GS.TS Nguyễn Huy Hoàng một buổi sáng Hà Nội chộn rộn đón Xuân sang.

'Trăm năm cũng từ đây' là những hồi ức của GS.TS Nguyễn Huy Hoàng từ khi bước chân vào giảng đường cho đến khi tốt nghiệp đại học. Ảnh: NVCC.
'Trăm năm cũng từ đây' là những hồi ức của GS.TS Nguyễn Huy Hoàng từ khi bước chân vào giảng đường cho đến khi tốt nghiệp đại học. Ảnh: NVCC.

Nhà thơ, nhà giáo, GS.TS Nguyễn Huy Hoàng trở về Việt Nam ra mắt cuốn hồi ký về Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Tổng hợp, phần cũng là về thăm nhà, thăm cha mẹ.

“Gần thì rày viếng mai thăm/Xa xôi cách trở viếng thăm đôi lần”, GS.TS Nguyễn Huy Hoàng thủng thỉnh ví von.

Đến với nước Nga bằng con đường văn học

Tôi gặp GS.TS Nguyễn Huy Hoàng một buổi sáng Hà Nội chộn rộn đón Xuân sang. Bắt đầu bằng không khí ấy, GS.TS Nguyễn Huy Hoàng kể về 4 mùa ở nước Nga. Mùa đông ở xứ Bạch Dương lạnh tới nỗi nước sông đóng thành băng, mùa thu vàng thì đẹp không có mĩ từ nào tả hết…

Tôi tò mò về cơ duyên khiến GS.TS Nguyễn Huy Hoàng gắn bó với đất nước này, ông cho biết: “Tôi đến với nước Nga bằng con đường văn học”.

Ông kể, bản thân may mắn được tiếp xúc với văn chương từ rất sớm, với tủ sách của gia đình và bên nhà chú ruột. Thời điểm đó, dường như văn học Nga thống trị trong toàn bộ tinh thần văn học Việt Nam. Thậm chí, rạp chiếu bóng có phim chiến đấu Liên Xô tất cả đều háo hức đi xem.

Còn sách cũng chủ yếu là sách dịch Liên xô. Thế hệ trước đã phủ hết văn học Nga - Xô viết cho thanh niên Việt Nam. Từ những nhà văn cổ điển như Lev Tolstoi, A. Puskin, F. Dostoievsky, A.Trekhov..., đến những nhà văn Xô-viết như Marxim Gorki, Mikhail Solokhov, Boris Polevoi…

Ông đã chọn cuốn sách dịch đầu tiên về nước Nga là tập truyện cổ tích Nga và thơ của Puskin. Dường như văn học Nga là cánh cửa đầu tiên mở ra đưa ông đến với thế giới.

Từ đó, ông bắt đầu đọc và học văn học Nga. Sau này ông làm luận án văn học Nga và sống ở đó. “Tôi may mắn được học ở trường rất nổi tiếng của Nga, có thể coi là “lâu đài” của nền văn học. Đó là Trường Đại học Tổng hợp Lomonoxov với những bậc thầy đáng kính”, GS.TS Nguyễn Huy Hoàng kể.

Thế rồi, ông kể cho tôi nghe về đất nước, con người và văn học Nga. Hãy cùng tưởng tượng, bay từ Việt Nam sang Nga mất 9 tiếng nhưng bay từ đầu nước Nga đến cuối đất nước là 11 tiếng. Điều đó cho thấy nước Nga rộng mênh mông đến nhường nào và có thể nói là vĩ đại.

“Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới. Nếu làm một phép so sánh thì con người Nga rất nhân hậu. Điều nữa là nước Việt gắn bó và có tình cảm đặc biệt với người Nga. Người Việt Nam là hệ quả của mối tình Xô Viết. Vì thế, những người Việt hiện nay ở Nga đều được yêu mến và tôi cũng nằm trong số đó”, GS.TS Nguyễn Huy Hoàng nói.

Câu chuyện dừng lại, ông hỏi tôi về đời sống của nhà báo có vất vả, khó khăn lắm không? Điều đó làm tôi xúc động. Tôi cảm nhận được tâm hồn hiền hòa của một người Việt sau bao năm sinh sống ở nơi mà ông thấy được tình yêu thương, sự cưu mang và lòng nhân hậu.

Ông cho biết thêm, hiện nay, ở Nga có khoảng 120.000 người Việt Nam làm ăn và sinh sống. Ở đây, mọi người vẫn trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt, ăn thức ăn như ở quê nhà. Chợ ở Nga có đầy đủ những thực phẩm giống như ở Việt Nam nên cảm giác thân thuộc vô cùng.

“Khi ấy, chúng ta như trang giấy trắng,…”

GS.TS Nguyễn Huy Hoàng. Ảnh: NVCC.

GS.TS Nguyễn Huy Hoàng. Ảnh: NVCC.

Nói về lần trở lại Việt Nam này, GS.TS Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ là dịp về thăm nhà kết hợp với việc ra mắt cuốn hồi ký “Trăm năm cũng từ đây”. Đó là những hồi ức của tác giả từ khi bước chân vào giảng đường cho đến khi tốt nghiệp đại học. Đó còn là quãng thời gian ông giảng dạy tại khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (Nay là Khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Chia sẻ về việc đặt tên cuốn sách, GS.TS Nguyễn Huy Hoàng bảo ông lấy ý tứ từ “Truyện Kiều”. Trong “Truyện Kiều”, từ “trăm năm” được sử dụng đến 2 lần. Trăm năm không phải 99 năm cộng 1 năm, mà đó là cả cuộc đời con người. “Trăm năm cũng từ đây” muốn đề cập đến giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời con người và cuốn hồi ký muốn nói đến quãng đời của thời sinh viên tươi đẹp “từ đây”.

Xuyên suốt tập hồi ký là sự phảng phất nỗi niềm hoài cổ, “ôn cố tri tân” về những người thầy đáng kính, những đồng môn thân tình, những hình ảnh thân thương của một thời bom đạn. Hình ảnh khu giảng đường mái lá, bữa cơm đạm bạc, gương mặt nồng hậu được tác giả trân trọng tái hiện. Qua đó để gửi đến các thầy, cô và sinh viên Văn khoa nhiều thế hệ với tình cảm của một sinh viên cũ với một thời trong veo ấy.

Trong Lời mở đầu, tác giả chia sẻ: “Tôi viết cuốn sách này để nhớ về khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội và những năm tháng trẻ trung của cuộc đời mình. Tôi được học các bậc thầy đáng kính nhất trong những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX; có được những người bạn đồng môn với bao phẩm chất tuyệt vời, ngày đang càng hiếm đi trước muôn vàn cơn ba đào thế sự.

Những sinh viên năm xưa tôi được đứng lớp, giờ đây nhiều người đã trở thành những nhà chuyên môn tên tuổi, và không ít người có đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực xã hội. Càng nghĩ lại, tôi cảm thấy đó là những điều vô cùng may mắn”.

Tác giả kể, khi ông viết cuốn sách, quá khứ như một cuốn phim thời sự cứ thế hiện ra. Ông gặp lại trong đó từng hình bóng thân quen, bao kỷ niệm sâu lắng nhất về những nơi ông đã sống, những người ông đã gặp, cùng nhiều ấn tượng mãi mãi còn đọng lại trong tim.

“Tôi không quên một ai trong số gần một trăm thầy giáo và cô giáo trong khoa Văn, nhưng tôi chỉ viết về những thầy cô mà tôi có nhiều dịp tiếp xúc, nhiều dịp gần gũi và hiểu biết nhất”, GS.TS Nguyễn Huy Hoàng bày tỏ.

Trong cuốn “Trăm năm cũng từ đây”, GS.TS Nguyễn Huy Hoàng ghi lại ký ức như những lát cắt, mà theo cách nói của ông “từ một giọt nước, tôi nhìn ra biển cả”.

“Tôi xa đất nước rất lâu, không có điều kiện gặp gỡ các thầy cô thường xuyên. Cũng vì vậy, trong cuốn sách này, tôi không chọn cách viết bao quát toàn bộ. Tôi muốn gợi lại để các thế hệ tiếp sau sẽ lại viết về các thầy cô, với những điều mới mẻ và thú vị khác”, GS.TS Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ.

Cuốn hồi ký còn nhắc nhớ về ký túc xá Mễ Trì, về những ngày tháng sinh viên của nhiều thế hệ: “Khi ấy, chúng tôi như trang giấy trắng, tuy thiếu thốn khó khăn nhưng sống quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời”, GS.TS Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh.

Ngày nào cũng cần thầy!

Với GS.TS Nguyễn Huy Hoàng, trong cuộc sống có 2 khái niệm là “lựa chọn” và “tổng kết” thì những phần sau trong hồi ký của ông là sơ kết chứ không phải tổng kết. Đó là sự nhớ lại những kỉ niệm gắn bó với nhà trường, với khoa Văn. Mà kỉ niệm thì như nhà thơ Tế Hanh nói “Những khi buồn nghĩ lại thấy vui vui, những khi vui nghĩ lại thầy bùi ngùi”.

Chia sẻ về ý tưởng cho ra đời cuốn hồi ký, GS.TS Nguyễn Huy Hoàng trầm giọng, trong vòng 16 năm giảng dạy tại trường, ông đã được quen biết rất nhiều thầy cô. Lần lại trong số danh sách các thầy thì chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Thời gian không bỏ qua ai cả!

“Thời đó, khi chúng tôi mới vào trường, thầy Hoàng Xuân Nhị gần 60 tuổi tóc bạc trắng. Chúng tôi hiện nay còn hơn cả tuổi thầy Nhị thời điểm đó. Vì thế, nếu không viết thì các thầy lần lượt ra đi, trong khi những học trò mới vào trường chẳng còn biết nữa. Nếu không nhắc lại những hình ảnh của người giáo viên năm xưa về những cống hiến của các thầy cô với Trường Đại học Tổng hợp là lỗi của chúng tôi, bởi là người biết mà lại không viết”, GS.TS Nguyễn Huy Hoàng nói.

Tuy vậy, ông cũng chia sẻ, áp lực công việc, khó có thời gian nào để hoàn thiện. Thế rồi, đến năm 2020, dịch Covid-19 hoành hành. Ông cũng bị nhiễm virus SARS-CoV 2 rất nặng và dường như đã tiên lượng xấu.

Thời gian nằm viện, do nội lực của bản thân, sự giúp đỡ tận tình của các bác sĩ và nền y học Nga, ông đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ cũng dặn dò thời gian này phải được nghỉ ngơi, bồi dưỡng, bác sĩ đến kiểm tra thường xuyên. Trong giai đoạn đó, ông đã nghĩ mình phải viết một cái gì đó.

Thế nhưng, sự kiện quan trọng nhất thúc đẩy ông, đó là ngày 18/11/2021, trên Facebook, ông nhận được rất nhiều lời chúc mừng của học sinh. Ông nghĩ có lẽ phải viết cái gì đó về nghề giáo.

Một năm có một ngày nhà giáo Việt Nam. Như vậy là đúng nhưng chưa đủ. Ông cho rằng, phải có 365 ngày. Bởi ngày nào cũng phải học, ngày nào cũng cần thầy. Những người thầy gắn bó với mỗi người không phải một ngày, một giờ, một năm mà cả cuộc đời. Chẳng phải Khổng Tử từng nói “Tam nhân đồng hành, nhất nhân vi ngã sư” hay sao?

“Trăm năm cũng từ đây” còn là thông điệp mà nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Huy Hoàng gửi gắm tới thế hệ học sinh. Đó là phải biết tạo ra, giữ gìn những kỉ niệm trong sáng của một thời cắp sách tới trường. Bởi con người có thể mất đi nhiều thứ nhưng thời gian đó thì vẫn sẽ luôn còn mãi.

“Chúng tôi gặp nhau sau 50 năm trôi qua vẫn vỗ tay chào nhau “tao - mày”. Bao kỉ niệm thân thương lại ùa về. Vì thế, thời học trò “một đi không trở lại”, phải biết trân quý, nâng niu”, nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ.

Bên cạnh đó, cuốn hồi ký cũng dẫn dắt thế hệ trẻ nhìn vào những tấm gương về người thầy mẫu mực. Đó là về cách sống, kiến thức, con người và sự mô phạm. Rồi qua đây, những thế hệ giáo viên sau này cũng có thể soi vào, học tập.

Hơn thế nữa đó còn là sự mong muốn đời sống của giáo viên được quan tâm hơn nữa cũng như sự đầu tư tốt hơn về cơ sở vật chất cho nền giáo dục. Đây là động lực để thầy cô giảng dạy tốt hơn.

Sự nhân hậu, hiền hòa của người thầy giáo sau gần một phần ba thế kỷ sinh sống và làm việc tại xứ sở Bạch Dương đã ghi dấu ấn trong tôi. Câu chuyện khép lại, tôi nhìn bóng thầy chậm rãi thả bộ trên phố phường Hà Nội.

Dường như, ông đang tìm lại không gian xưa đã từng in dấu. Đó có thể là hình ảnh của khu kí túc xá Mễ Trì với mái ngói đỏ tươi, xung quanh là hàng cây xanh và đồng lúa đang vào độ chín…

Nhà thơ, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng là tác giả của hơn 20 đầu sách và nhiều bài báo, công trình khoa học được xuất bản ở Việt Nam và Liên bang Nga. Ông là một trong những người đã có nhiều đóng góp vào công tác cộng đồng người Việt tại Nga và như một nhịp cầu kết nối giữa văn học Nga và Việt Nam. Đồng thời, ông cũng được Viện Hàn lâm Văn học Nghệ thuật thế giới Ukraine công nhận danh hiệu Viện sĩ.

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng đã có nhiều tác phẩm đóng góp cho văn học nước nhà: “Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX” (giáo trình), Đại học Tổng hợp, 1988; “Thi pháp truyện ngắn N. Gogol” (chuyên luận), Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, 2001; “Đếm bước cuộc hành trình” (ký sự), Nhà xuất bản Lao động, 2012; “Mưu sinh” (truyện ký), Nhà xuất bản Hà Nội, 2006; “Ngoảnh lại” (thơ), Nhà xuất bản Văn học, 1995; “Phía bên kia trời” (thơ), Nhà xuất bản Văn học, 1999; “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” (chủ biên), dịch sang tiếng Nga, 2012; “Truyện Kiều” (chủ biên cùng Vũ Thế Khôi, A.Xocolov, Đoàn Tử Huyến, A.Popov), dịch sang tiếng Nga, 2015; “Gia tộc Tổng thống V.V.Putin” (cùng Nguyễn Văn Minh), dịch từ tiếng Nga, 2017; “Người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh” (cùng Nguyễn Văn Minh), dịch từ tiếng Nga, 2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.