Hội nghị có sự tham dự của nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các bộ, ban, ngành và 500 thương binh nặng tiêu biểu, đại diện cho 12 nghìn thương binh nặng trong 1,2 triệu thương binh trên cả nước.
Đây là sự kiện có ý nghĩa sâu sắc nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019).
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: 500 đại biểu thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc có mặt hôm nay chính là những nhân chứng, những tấm gương của tinh thần người người ngoan cường, bất khuất, hiên ngang bước ra chiến trường vì độc lập - tự do, thống nhất đất nước và cũng vì một lẽ sống cao đẹp cho đồng bào.
Trở về với cuộc sống đời thường, các đồng chí đã phấn đấu vươn lên bằng ý chí và nghị lực phi thường, vượt qua cả nỗi đau tinh thần, điều dưỡng thương tật, ổn định đời sống, đoàn kết, tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước.
“Vào dịp này hàng năm, tấm lòng mỗi người Việt Nam đang được sống trong hòa bình, độc lập dường như lắng lại và rung lên những cung bậc sâu sắc với lòng biết ơn hàng triệu con người đã để lại nơi chiến trường một phần xương máu hoặc toàn bộ cuộc sống của mình vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân và trong đó có rất nhiều người thân, ruột thịt của các đồng chí có mặt trong hội trường này” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương nghị lực, ý chí vươn lên của các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng, đồng thời đánh giá cao kết quả thực hiện phong trào đền ơn đáp nghĩa, tri ân người có công với cách mạng của các cấp, các ngành, cơ quan đoàn thể từ Trung ương tới địa phương cả nước.
Phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú, giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng, xác nhận người có công với cách mạng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, huy động sự tham gia của mọi người dân với nhiều cách làm thiết thực, sáng tạo, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chăm lo cho người có công và gia đình người có công.
Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ: Tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư và của Thủ tướng Chính phủ về công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Quan tâm thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình người có công.
Rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, triển khai đồng bộ, thống nhất, kịp thời Pháp lệnh Ưu đãi người có công. Giải quyết các vấn đề tồn đọng sau chiến tranh, cải cách thủ tục hành chính. Tạo điều kiện thuận lợi để người có công thụ hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực, sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách...