Mùa tuyển sinh, tính “cung - cầu” ngành Đông phương học

GD&TĐ - Do nhu cầu nhân lực cao, sinh viên tốt nghiệp ngành Đông phương học luôn có nhiều cơ hội lựa chọn những vị trí công tác tốt, phù hợp với chuyên môn. 

Mùa tuyển sinh, tính “cung - cầu” ngành Đông phương học

PGS.TS. Lê Đình Chỉnh - Chủ nhiệm khoa Đông phương học (Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQGHN) cho biết: Đối với ngành Đông phương học có thể khẳng định "cung không đủ cầu". Theo thống kê mới nhất, 100% sinh viên K54 tốt nghiệp năm 2013 của trường đã có việc làm.

Theo PGS.TS. Lê Đình Chỉnh, sinh viên Khoa Đông phương học sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội lựa chọn những vị trí công tác đa dạng. 

Với vốn ngoại ngữ cũng như kiến thức chuyên môn, sinh viên ngành này có thể làm việc trong các cơ quan, tổ chức Nhà nước của Việt Nam như: các cơ quan ngoại giao, văn phòng đại diện nước ngoài, giảng dạy tại các trường đại học, các viện nghiên cứu về khoa học xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí, các đài phát thanh – truyền hình trung ương và địa phương. 

Ngoài ra, cử nhân ngành Đông phương học còn có thể công tác tại Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế, các công ty du lịch, các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài đặt tại Việt Nam.

Tại trường ĐHKHXH&NV – ĐHQGHN, sinh viên được đào tạo tại Khoa Đông phương học sẽ phải hoàn thành 14 tín chỉ tiếng Anh bắt buộc và 47 tín chỉ ngoại ngữ chuyên ngành phù hợp với hướng ngành đào tạo của từng sinh viên.
Một số trường đào tạo Đông Phương học hiện nay như: ĐH KHXH&NV Hà Nội và TP HCM, ĐH Đà Lạt, ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP HCM, ĐH Lạc Hồng, ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ