Chương trình có sự phối hợp của Sở GD&ĐT TP HCM cùng gần 20 chuyên gia, nhà tư vấn tuyển sinh, lãnh đạo các trường và các học sinh THPT.
Trả lời cho nhóm câu hỏi chọn nghề như thế nào cho đúng, làm sao để xác định được nghề mà mình yêu thích thật sự chứ không phải vì sự tác động? Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM - chia sẻ: Có không ít học sinh phải “sụt sùi” vì không thể vào được ĐH, CĐ dù cho thi điểm rất cao. Điều này nhắc nhở các em phải thật sự cẩn trọng, kỹ lưỡng khi đăng ký chọn ngành, nghề.
Nhiều em học giỏi nhưng mơ hồ sẽ chẳng thể nào theo đuổi, phát triển với ngành nghề yêu thích. Ví như một học sinh mất đến 3 năm để thi được vào Trường ĐH Y nhưng khi học xong sẽ chẳng thể làm được nếu trong mình cảm thấy e dè, sợ sệt với cây kim, cái dao mổ hay những ca phẫu thuật đòi hỏi trí não hoạt động đằng đẵng suốt nhiều giờ liền
Chuyên gia tâm lý PGS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ thêm: Thời điểm này là lúc những học sinh sắp bước vào kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 cần cân nhắc thật kỹ trước khi đặt bút điền vào hồ sơ đăng ký dự thi. Chỉ cần mơ hồ, chọn thiếu suy tính đúng đắn, sẽ rất dễ dẫn đến việc hoang phí thời gian tiền bạc cho những kỳ thi tiếp theo hoặc lệch lạc định hướng tương lai.
Vì thế sự phù hợp trong việc chọn nghề không chỉ là thấy tương thích giữa điểm số, thành tích học tập trên lớp với năng khiếu tự cảm nhận, mà cần có cả sự cân nhắc năng lực tài chính gia đình, sự am hiểu lĩnh vực, ngành nghề sẽ chọn nữa.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn khuyên học sinh: “Đừng ngại bỏ thời gian để lên mạng, tìm gặp những người từng làm trong nghề mình sẽ chọn để tìm hiểu. Kiến thức thực tế về những khó khăn, thách thức trong ngành muốn học là điều vô cùng quan trọng để đưa ra quyết định có nên hay không theo đuổi đến cùng một ngành mà bạn gắn bó - có thể là cả đời.