Khắc phục tình trạng “chạy hộ khẩu”
Điểm ưu tiên được phân chia theo 4 khu vực bao gồm: KV1, KV2-NT, KV2, KV3, trong đó điểm ưu tiên cao nhất thuộc về KV1 với 1,5 điểm. Do điểm ưu tiên có thể thay đổi được kết quả đỗ, trượt nên không thiếu những trường hợp lợi dụng chính sách, gây ra sự thiếu công bằng cho thí sinh các vùng miền.
Để khắc phục tình trạng “chạy hộ khẩu” mỗi mùa thi, năm nay, Bộ GDĐT quyết định thay đổi quy định về đối tượng 01. Theo đó, thí sinh ở khu vực (KV) 1 để được hưởng ưu tiên cộng điểm khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa, thí sinh phải là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT hoặc trung cấp) trên 18 tháng tại KV1.
Theo thầy giáo Phan Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội), “sự điều chỉnh này phù hợp với thực tế, tránh được sự lợi dụng để được hưởng diện ưu tiên như trước đây”.
Để cụ thể hơn, hướng dẫn của Bộ cũng nêu rõ, thí sinh học liên tục và tốt nghiệp THPT tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu trong 3 năm học THPT có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu mỗi năm học một trường thuộc các khu vực có mức ưu tiên khác nhau hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó.
Quy định này áp dụng cho tất cả thí sinh, kể cả thí sinh đã tốt nghiệp từ trước năm thi tuyển sinh. Đồng tình với sự điều chỉnh của Bộ, cô giáo Thu Hà cho rằng “đối với một học sinh khi đi thi, chỉ cần 0,25 điểm đã có thể thay đổi được hoàn toàn cục diện. Vì vậy, việc điều chỉnh bám sát thời gian học thực tế của các em là cần thiết để đảm bảo sự công bằng cho các em ở khu vực không có điểm ưu tiên”.
Quy định mới cũng nêu rõ, đối với các trường THPT do thay đổi địa giới hành chính, chuyển địa điểm hoặc thay đổi cấp hành chính dẫn đến thay đổi mức ưu tiên khu vực thì mỗi giai đoạn hưởng mức ưu tiên khác nhau, trường sẽ được gán một mã trường khác nhau cùng với một mức ưu tiên khu vực phù hợp.
Để không còn nỗi lo “điểm ưu tiên”
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Xuân đã có 13 năm là giáo viên môn Ngữ Văn tại một trường THPT trên địa bàn Hà Nội tâm sự: “Tôi đã nhiều lần chứng kiến học sinh của mình rơi nước mắt mỗi mùa thi chỉ vì thiếu nửa điểm, một điểm. Lúc đó chỉ mong có điểm ưu tiên để các em đỡ thiệt thòi”.
Câu chuyện điểm ưu tiên cứ mỗi mùa thi lại được nhắc nhiều trên cả hai khía cạnh, tính phù hợp và yêu cầu thay đổi. Sự phù hợp ở đây không phải nhắc nhiều chắc ai cũng hiểu, đó là tạo ra cán cân công bằng trước cánh cửa Đại học cho những học sinh đang sinh sống, học tập trong điều kiện khó khăn. Không thể bắt những học sinh vùng cao với điều kiện học tập thiếu thốn đủ bề phải “thi đấu sòng phẳng” với những học sinh có điều kiện học tập “lý tưởng” hơn.
Nhưng yêu cầu thay đổi cũng đang được đặt ra khi đời sống kinh tế - xã hội nhiều vùng miền đã được nâng cao hơn trước và cũng không phải 100% học sinh các thành phố lớn đều được thừa hưởng những điều kiện tốt nhất trong học tập cũng như đời sống.
Sự thu hẹp diện được hưởng điểm ưu tiên trong kỳ tuyển sinh năm 2016 sẽ giúp giảm bớt số lượng thí sinh được hưởng điểm ưu tiên cao so với những năm trước.
Tuy nhiên vẫn có những ý kiến cho rằng, cần xem xét điều chỉnh giảm chênh lệch điểm ưu tiên đối tượng và khu vực để tránh thiệt thòi cho các em học sinh ở khu vực không được hưởng điểm ưu tiên, đảm bảo sự công bằng trong tuyển sinh chung.
Về vấn đề này, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến dư luận để điều chỉnh dần chế độ ưu tiên trong tuyển sinh cho hợp lý hơn trong những năm tiếp theo.