Mua tranh là được… ký?

GD&TĐ - Giới hội họa lại được phen ồn ào vì vụ việc họa sĩ Phạm Hồng Minh mua 2 bức tranh sao chép 'Lì xì nhé', 'Cô gái Dao đỏ' và… ký tên mình lên đó.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Những ồn ào này được bắt đầu từ sự lên tiếng của “cha đẻ” hai bức tranh - họa sĩ Lê Thế Anh khi anh bất ngờ được học trò báo tin.

Thực ra, chưa khi nào lĩnh vực sáng tạo mang đậm dấu ấn cá nhân như hội họa được sóng yên, bể lặng trước vấn nạn xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có cả việc sao chép tranh và bán ra thị trường nhưng không xin phép tác giả.

Công việc này đã trở thành một nghề mưu sinh của bao người, khiến chủ nhân của mỗi bức tranh phải đành lòng xuê xoa. Nhưng cái sự xuê xoa ấy không phải không có cơ sở. Đó là, cùng với mối cảm thông cho cuộc sống của phận người còn vì những người sao chép tranh ấy chưa khi nào sử dụng cái sự “tiện cọ” mà ký tên mình lên bức tranh họ đang sao chép để khẳng định bản quyền sáng tạo.

Bởi vậy, trong “rừng tranh” sao chép thường bỏ trống chữ ký tác giả thì vẫn bắt gặp một số bức được người thợ cẩn trọng ghi rõ nguồn sao chép. Và, dù công việc chép lại tranh cũng là một quá trình lao động, cần đôi tay khéo léo cùng đầu óc có thể tính toán, sắp đặt bố cục sao cho cân đối, hợp lý của các khổ vẽ nhưng rõ ràng những người thợ vẫn ý thức được việc mình làm chỉ là “ăn theo” chứ không nhận là người sáng tạo ra chúng nên không thể đặt bút ký tên mình.

Vậy mà, với một họa sĩ, chủ nhân của các ý tưởng và sáng tạo - luôn là những người hiểu hơn ai hết về quyền sở hữu trí tuệ và cũng luôn phải cảnh giác bảo vệ những đứa con tinh thần của mình trước vấn nạn vi phạm bản quyền ngày càng tinh vi và phức tạp ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, nhưng vì sao lại có cách ứng xử trước những sáng tạo của đồng nghiệp một cách ngang nhiên, kệch cỡm, lố bịch như vậy?

Đã thế khi bị phát hiện, họa sĩ này còn dẫn cái quyền sở hữu đồ vật (vì đã bỏ tiền ra mua thì đương nhiên được thoải mái làm gì thì làm, trong đó có cả việc… ký tên lên tranh) để ngụy biện cho hành vi nhập nhèm, vi phạm bản quyền đáng lên án của mình. Nếu cứ theo cách nghĩ này rồi hành động như thế thì thật đáng sợ vì sẽ có những kẻ bỗng dưng trở thành “danh họa” chỉ sau một cuộc mua bán tranh sao chép để tùy thích phóng bút ký tên mình.

Cũng có người cho rằng họa sĩ ký tên lên tranh sao chép đã ngộ nhận, hiểu sai hay có sự nhầm lẫn về quyền sở hữu và quyền sở hữu trí tuệ? Mong là nhận định ấy đúng và cũng mong là họa sĩ này sẽ sớm có ứng xử tôn trọng chủ nhân đích thực của những bức tranh.

Có như thế thì mới không tạo ra những nhầm lẫn giữa giả và thật, không góp thêm gió vào “cơn bão” xâm phạm bản quyền vẫn liên tục hoành hành, không chỉ trong lĩnh vực hội họa mà trong nhiều lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Tạo sức hút cho nghề giáo

GD&TĐ - Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước quan tâm và quy định các chế độ, chính sách, giúp nhà giáo bảo đảm an sinh xã hội, an tâm công tác và cống hiến.

Nhiều phiên giao dịch được tổ chức giúp cho người lao động tìm việc làm.

Cách nào tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp?

GD&TĐ - Ngoài thay đổi chiến lược tuyển dụng, cần có hệ thống thông tin dữ liệu chuẩn, chính xác về ứng viên để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận...với lực lượng lao động