Đầu tháng 10 âm lịch, thôn Nghĩa Trai (xã Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên) bước vào mùa khai thác hoa cúc chi. Hoa màu vàng rực, bé bằng ngón tay, mùi thơm dịu, được trồng vào nửa cuối năm. Loài hoa đặc trưng của vùng là nguồn thu nhập chính của người dân thôn Nghĩa Trai.
Hoa bắt đầu trồng sau rằm tháng 7 âm lịch. Nông dân lên luống và trồng những cây cúc dài bằng ngón tay xuống đất. Sau hai tháng, cúc lên cao, người dân hái ngọn để cây ra nhánh nhỏ và lan rộng cho nhiều hoa hơn.
Hoa cúc phát triển thuận lợi ở nhiệt độ 20-30, khi thời tiết chuyển từ mùa hạ sang mùa thu. Hoa dùng làm dược liệu, làm trà uống vì có tác dụng dễ ngủ, thanh giải nhiệt, tiêu độc, mát gan....
Gia đình ông Năm trồng cúc từ đời cha ông trên 3 sào đất. Dự kiến năm 2018 sẽ thu 1,5 tấn hoa tươi.
"Nhà tôi có 2 sào đất trồng hoa nhưng chưa đến thời điểm thu hoạch. Trong thời gian chờ hoa nở, tôi đi làm thuê cho các gia đình. Công việc bắt đầu từ 6h sáng đến 16h30, hái được khoảng 30 kg, thu nhập hơn 300.000 đồng/ngày", bà Nguyễn Thị Ngọc nói.
Thời điểm hoa nở rộ có gia đình phải thuê hàng chục người để hái cùng lúc, bởi nếu muộn hoa sẽ già và rụng.
Cả thôn Nghĩa Trai có 22 ha trồng cúc chi. Người dân cho biết, chỉ có hoa cúc trồng ở đây mới tạo ra vị đặc trưng và sản lượng lớn. Nhiều nơi đã đưa hoa về trồng thử nhưng nở to như cái chén, không mùi hương.
Cuối buổi sáng và chiều, nhiều lái buôn đến tận cánh đồng mua thu gom hoa tươi của dân. Giá hoa tươi bán tại vườn hiện tại là 60.000 đồng/kg.
Công việc thu hoạch hoa kết thúc khi mặt trời lặn. Trung bình, mỗi năm thôn đạt khoảng 200 tấn cúc khô.
Hiện trong thôn có ba cách sấy hoa: sấy bằng điện, diêm sinh, than đá. 100 kg hoa cúc tươi sau khi sấy còn 10 kg khô. Giá bán hoa sấy điện đắt nhất bởi giữ được nhiều hương vị tự nhiên. Hàng năm gia đình xuất bán khoảng 3 tấn, ông Nguyễn Thế Viện cho biết.
Giá bán buôn hoa cúc chi khô số lượng lớn là 600.000 đồng/kg, bán lẻ lên đến cả triệu đồng. Hoa thu mua, sấy tới đâu tiêu thụ hết tới đó.