Tránh đấu thầu trên giấy
“Thực tế tiến hành mua sắm TBDH, các địa phương thường căn cứ vào quy định của Bộ. Những thiết bị ngoài danh mục quy định khi đề xuất lên UBND cấp tỉnh thường rất khó được phê duyệt. Vì vậy, khi soạn dự thảo thông tư lần này chúng tôi đã mạnh dạn đưa thêm những thiết bị cần thiết vào danh mục thiết bị lớp 2 và lớp 6”- Ông Phạm Hùng Anh (Cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất, Bộ GD&ĐT) cho biết khi trao đổi với đại diện các Sở GD&ĐT của 30 tỉnh/thành từ Đà Nẵng trở vào phía Nam.
Ông Võ Văn Luyến (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre) cho rằng, với dự thảo thông tư hướng dẫn danh mục TBDH tối thiểu lớp 2 và lớp 6 đang được lấy ý kiến, đã xây dựng dựa trên những yêu cầu về CSVC, TBDH rất cụ thể, rõ ràng. Trên cơ sở ban hành thông tư này sắp tới, Bến Tre sẽ đối chiếu các danh mục, các yêu cầu để triển khai thực hiện.
“Các văn bản quy phạm pháp luật Bộ GD&ĐT đã ban hành về TBDH, khi ngành GD&ĐT Bến Tre triển khai có những thuận lợi. Bến Tre đã xây dựng đề án về đầu tư mua sắm TBDH, sách từ nay đến 2025 với khoảng 6.000 tỷ. Với bộ TBDH, Sở GD&ĐT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh, trên cơ sở đó Ban quản lý dự án của tỉnh thực hiện mua sắm chung.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện, việc cung cấp TBDH chậm. UBND tỉnh Bến Tre cũng đã ban hành quyết định về chủ trương mua sắm đầu tư cho năm 2021, đến thời điểm này đã đạt 206 tỷ. Như vậy, tài chính dành cho mua sắm TBDH lớp 2, lớp 6 vào năm tới đã có chủ trương từ trước khi thông tư hướng dẫn được ban hành ”- Ông Võ Văn Luyến cho biết.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Bến Tre, hiện có bất cập là đề xuất mua sắm từ Sở GD&ĐT khi đến Ban quản lý dự án của tỉnh việc nắm các danh mục thiết bị có thể không chính xác. Trong khi đó, Sở GD&ĐT không được chủ động tham gia việc mua sắm, nên tiến độ thực hiện rất chậm, từ thời gian đến đấu thầu, chất lượng và hiệu quả mua sắm đều ảnh hưởng.
Cục trưởng Cục CSVC nhận định: “Bến Tre là tỉnh dành ngân sách cho mua sắm TBDH rất tốt. Không chỉ ở Bến tre, khó khăn nhất ở các địa phương hiện nay là về chủ động của Sở GD&ĐT trong mua sắm TBDH, điều này ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thực hiện chương trình. Cục CSVC tham vấn các sở GD&ĐT có thể yêu cầu những doanh nghiệp cung cấp TBDH trưng bày mẫu thiết bị. Ví dụ, doanh nghiệp tham gia đấu thầu, đi kèm giá là bộ mẫu, để Sở GD&ĐT có thể đối chiếu giữa hồ sơ đấu thầu và bộ mẫu. Thiết bị chất lượng cao thì giá thành cao. Tránh trường hợp đấu thầu trên giấy, nhưng mặt hàng khác nhau dẫn đến giá cả khác nhau. Các Sở GD&ĐT có quyền trong hồ sơ thiết kế yêu cầu vấn đề này. Mặt khác, giá thiết bị theo cơ chế đấu thầu, qua thẩm định giá, các địa phương hoàn toàn tự quyết định”.
Ông Nguyễn Văn Hoà (Trưởng phòng CNTT và Thiết bị Thư viện, Sở GD&ĐT Đồng Tháp) chia sẻ: “Lần đầu tiên thực hiện TBDH theo chương trình GD phổ thông mới, theo Thông tư 05, đối với lớp 1, vừa qua ở Đồng Tháp triển khai rất khó khăn. Sở GD&ĐT Đồng Tháp đã phải tham mưu với UBND tỉnh chia làm 2 lần cung cấp TB, vào học kỳ 1 và học kỳ 2. Đề nghị Bộ có văn bản yêu cầu các tỉnh phải đảm bảo đủ TBDH theo đúng số lượng và danh mục, để các nhà trường có cơ sở triển khai chương trình”.
Địa phương phải cấp đủ kinh phí mua TBDH, học sinh không phảimua
“Về quan điểm, thực hiện Chương trình GD phổ thông mới, các nhà trường không phải bỏ hết CSVC, TBDH cũ hiện có. Chương trình mới thực chất là kế thừa và sử dụng các TBDH, CSVC có sẵn, bổ sung thêm những TBDH, CSVC mới đáp ứng đổi mới”- Cục trưởng Cục CSVC nhấn mạnh.
Trao đổi với các Sở GD&ĐT hôm nay, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Sơn Hải có ý kiến đồng tình với chủ trương của dự thảo thông tư là đầu tư, tăng cường ứng dụng CNTT vào công tác CSVC và TBDH.
“Việc này tới đây sẽ được Cục CNTT, Cục CSVC phối hợp với các Vụ, bậc học để rà soát trên cơ sở danh mục các thiết bị này, xác định những thiết bị nào cần số hóa để sử dụng tốt hơn sẽ ưu tiên các giải pháp số hóa. Khi đã số hóa rồi sẽ có giải pháp để dùng chung, tiết kiệm được nhiều ngân sách, việc sử dụng cũng rất thuận lợi cho giáo viên”- Cục trưởng Cục CNTT bày tỏ.
Cũng theo ông Nguyễn Sơn Hải, các sở GD&ĐT đang gặp khó khăn trong công tác nắm bắt, quản lý tình hình khai thác, sử dụng, cũng như nhu cầu về thiết bị của các nhà trường, để có kế hoạch tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo tỉnh đầu tư hiệu quả.
“Đây là thực trạng cần được xem xét. Ngay thời gian tới, Cục CNTT sẽ phối hợp với Cục CSVC để thiết kế trên hệ cơ sở dữ liệu các biểu mẫu, liên quan tới CSVC và TBDH, cung cấp tới từng trường học để khai báo. Khi các trường học khai báo các số liệu thực tế, nhu cầu, từ đó UBNDquận/huyện, UBND tỉnh, cũng như Bộ sẽ nắm được tổng thể, nhằm tính toán xây dựng kế hoạch đầu tư chuẩn xác, hiệu quả, hợp lý”- Cục trưởng Cục CNTT thông tin với các Sở GD&ĐT.
Ông Phạm Hùng Anh cho biết một số đề xuất của Bộ GD&ĐT về những nội dung các địa phương cần chú trọng trong thời gian tới. Trong đó, cần xây dựng tiêu chuẩn, định mức thiết bị chuyên dùng theo hướng dẫn tại Thông tư 16/2019/TT-BGDĐT và xây dựng tiêu chuẩn, định mức diện tích chuyên dùng theo hướng dẫn tại Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT. Đồng thời, phổ biến các Thông tư/văn bản về CSVC và TBDH đến các cơ sở GD.
Các địa phương cũng cần tham mưu với cấp có thẩm quyền mua sắm bổ sung đủ và đảm bảo tối thiểu bằng với các quy định tại Thông tư quy định danh mục thiết bị tối thiểu của Bộ GDĐT để thực hiện chương trình GD phổ thông mới.
Các thiết bị phải được trang bị cho các nhà trường trước khi thực hiện chương trình GD phổ thông mới. Rà soát lại các phòng học bộ môn (theo quy định tại Thông tư 14/2020/TT-BGDĐT) của các cấp học (tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học), để có kế hoạch cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới theo lộ trình thực hiện CT GDPTM. Rà soát, bổ sung để đảm bảo đủ phòng học theo yêu cầu 1 lớp/1 phòng đối với cấp tiểu học.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành các Thông tư về danh mục thiết bị tối thiểu các lớp, đảm bảo trước khi thực hiện chương trình ít nhất là 1 năm. Tổng hợp nhu cầu về CSVC, TBDH của các địa phương giai đoạn 2021 - 2025 và trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020. Tiếp tục hoàn thiện thể chế để các địa phương có căn cứ thực hiện.
Cục trưởng Cục CSVC cho biết, sau khi lấy ý kiến các Sở GD&ĐT, các doanh nghiệp cung cấp TBDH, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh lại các dự thảo thông tư ban hành danh mục TBDH tối thiểu lớp 2 và lớp 6 trước khi ban hành (dự kiến vào tuần thứ 2 của tháng 10 tới).
“Theo Luật GD, GD phổ thông phải đảm bảo, nghĩa là phải cung cấp đầy đủ các yêu cầu và điều kiện để thực hiện, trong đó bao gồm cả cung cấp đủ tiền để mua TBDH, chứ không thể yêu cầu học sinh, phụ huynh bỏ tiền ra để mua thiết bị”- Ông Phạm Hùng Anh lưu ý các địa phương.