'Múa Rồng', nét văn hóa ngàn năm đất Thăng Long

GD&TĐ - Mỗi dịp Tết đến Xuân về, khắp mọi miền Tổ quốc đều rộn ràng hình ảnh rồng bay lên trong các màn múa Rồng.

Hình ảnh múa Rồng tại Festival Thu Hà Nội 2023.
Hình ảnh múa Rồng tại Festival Thu Hà Nội 2023.

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, khắp mọi miền Tổ quốc đều rộn ràng hình ảnh rồng bay lên trong các màn múa Rồng. Trong đó, hình ảnh rồng bay lên trên vùng đất Thăng Long vào Tết Giáp Thìn càng làm cho hoạt động này thêm ý nghĩa.

Qua các tài liệu nghiên cứu, múa Rồng có từ thế kỷ thứ 10, thời Lý và đến ngày nay có ít nhất hơn 30 điệu múa Rồng chính thức, xuất hiện ở nhiều địa phương. Rồng tượng trưng cho sự cao quý và quyền uy của vua chúa.

Đối với văn hóa Việt cổ, hình tượng rồng còn gắn liền với truyền thuyết con rồng cháu tiên và là sự gửi gắm ước mong về mưa thuận, gió hòa, gắn với văn minh lúa nước lâu đời.

Múa Rồng đòi hỏi người múa luyện tập rất công phu mới có thể phối hợp nhịp nhàng khi rồng uốn lượn, rồng phóng tới, rồng đảo lại phô diễn thần oai. Các màn múa Rồng không chỉ xuất hiện trong lễ hội, mà còn được trình diễn trong nhiều sự kiện văn hóa lớn của thành phố Hà Nội như một niềm tự hào.

Tại Hà Nội, những năm gần đây bộ môn múa Rồng phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng. Các huyện như Thanh Oai, Chương Mỹ, Đông Anh, Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ... có phong trào múa Rồng phát triển mạnh mẽ. Qua đó vừa làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, vừa góp phần bảo tồn những điệu múa cổ, nét đẹp văn hóa dân gian của dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ