Mưa lũ ở Nghệ An làm 6 người chết, 1 người mất tích

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chỉ trong thời gian ngắn, mưa lũ sau bão số 4 đã gây thiệt hại nặng nề về người và của tại các địa phương ở Nghệ An.

Lực lượng Công an Nghệ An sơ tán dân ở vùng ngập sâu.
Lực lượng Công an Nghệ An sơ tán dân ở vùng ngập sâu.

7 người chết và mất tích

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, từ ngày 28-30/9, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra mưa lớn, tổng lượng mưa phổ biến từ 200-470 mm. Mưa lũ lớn đã làm 6 người chết, 1 người mất tích.

Cụ thể, ông N.V.H. (SN 1967, trú tại xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc) tử vong do đuối nước; ông N.H.H. (SN 1984, trú tại xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương) đi thả lưới bắt cá bị nước cuốn trôi, đã tìm thấy thi thể; ông N.V.T. (SN 1984, trú tại xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu) tử vong do chuột rút khi đi bắt cá; anh N.H.A. (SN 1999, trú tại xã Nghi Ân, thành phố Vinh) do mưa lớn nước ngập vào nhà, anh đã dùng máy bơm hút nước thì không may bị chập điện, tử vong.

Người dân di chuyển tài sản đến nơi an toàn.

Người dân di chuyển tài sản đến nơi an toàn.

Vào chiều 29/9, vợ chồng anh N.V.A. (SN 1984) và chị N.T.L. (SN 1985, trú tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc) đang trên đường đi tiêm phòng về nhà bị nước cuốn trôi. Hiện thi thể 2 nạn nhân đã được tìm thấy.

Nạn nhân bị mất tích là ông B.V.T. (SN 1964, trú tại xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương) đi đánh bắt cá tại khu vực đồng ruộng thuộc khối Trung Đông, thị trấn Nam Đàn thì bị lật thuyền, mất tích.

Lực lượng cứu nạn, cứu hộ tìm kiếm anh T. bị mất tích do lật thuyền khi đi đánh cá.

Lực lượng cứu nạn, cứu hộ tìm kiếm anh T. bị mất tích do lật thuyền khi đi đánh cá.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, mưa lũ đã làm 8.139 ngôi nhà bị ngập (huyện Quỳnh Lưu 5.559 nhà; huyện Hưng Nguyên 275 nhà, huyện Thanh Chương 776 nhà; huyện Yên Thành 1.089 nhà, huyện Anh Sơn 226 nhà, thị xã Hoàng Mai 34 nhà; huyện Nam Đàn 52 nhà, huyện Nghĩa Đàn 32 nhà, huyện Tân Kỳ 96 nhà).

Toàn tỉnh có 88 hộ phải di dời, 9 nhà thiệt hại trên 70%; 24 nhà bị hư hỏng, tốc mái, 26 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất.

Nhà dân ở huyện Thanh Chương, Nghệ An bị ngập sâu.

Nhà dân ở huyện Thanh Chương, Nghệ An bị ngập sâu.

Mưa lũ gây gây thiệt hại hơn 1.137ha lúa; hơn 5.837ha hoa màu, 97ha cây công nghiệp; 209 con gia súc bị chết và cuốn trôi; 34.423 con gia cầm bị chết và cuốn trôi; hơn 5.142ha diện tích ao hồ nhỏ bị ngập; hơn 1.555 tấn muối bị thiệt hại.

Mưa lũ cũng làm 27 điểm trường bị thiệt hại, trong đó, 1 phòng học bị tốc mái; 150m tường rào trường học bị sập; nhiều đoạn đường bị ngập, sạt lở, đê, đập, mương bị vỡ, cầu cống bị hư hỏng, cuốn trôi.

Lực lượng chức năng các địa phương huy động tối đa nhân lực, phương tiện để khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân khó khăn, thiệt hại.

Trắng đêm cứu đê vỡ

Lúc 20h tối 29/9, mưa lũ lớn khiến tuyến đê Hội Tĩnh thuộc xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên bị vỡ khoảng 5m. Sau khi phát hiện sự cố, huyện Hưng Nguyên đã huy động khoảng 400 người bao gồm các lực lượng và nhân dân vận chuyển vật liệu, đắp hàng trăm bì cát để vá đê.

Tuy nhiên do thời tiết mưa lớn, đường vào khu vực hiện trường hạn chế nên công tác hộ đê gặp nhiều khó khăn. Đến 6h sáng nay (30/9), đoạn đê bị vỡ mới được khắc phục.

Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và người dân ra hộ đê tại xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên.
Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và người dân ra hộ đê tại xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên.
Người dân đắp hàng nghìn bao cát để vá đê.
Người dân đắp hàng nghìn bao cát để vá đê.
Tuyến đê bị vỡ hơn 5m khiến nước chảy tràn qua.
Tuyến đê bị vỡ hơn 5m khiến nước chảy tràn qua.
Đến sáng nay, khu vực đê bị vỡ đã được khắc phục.
Đến sáng nay, khu vực đê bị vỡ đã được khắc phục.

Ông Lê Huy Khoa - Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo cho biết, đây là tuyến đê xung yếu, bảo vệ cho gần 1.700 hộ dân với khoảng 6.000 nhân khẩu, cùng 400ha cây trồng trên địa bàn và các xã lân cận.

Đến mùa mưa bão hàng năm, đê kênh thấp này bị tràn nước liên tục, gây ngập úng, năm nay nước dâng lên nhanh, chảy xiết nên vỡ đê.

Mặc dù đã khắc phục xong sự cố vỡ đê, tuy nhiên do thời tiết vẫn còn diễn biến thất thường, nước từ thượng nguồn đổ về liên tục, nguy cơ tái vỡ đê vẫn còn hiện hữu.

Do đó, UBND huyện Hưng Nguyên chỉ đạo các đơn vị và địa phương cắt cử lực lượng túc trực 24/24h tại tuyến đê, báo cáo và xử lý kịp thời nếu xảy ra sự cố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.