Tản mạn xích lô Huế

GD&TĐ - Xích lô (phiên âm từ tiếng Pháp cyclo) xuất hiện ở Sài Gòn năm 1934, vài năm sau phổ biến ra nhiều tỉnh thành như Nha Trang, Huế, Đà Nẵng, Hà Nội. Những bác tài xích lô đầu tiên chuyển ngành, xuất thân từ nghề xe kéo.

Xích lô du lịch
Xích lô du lịch

Đời xích lô

Ở Huế, xe xích lô hoạt động trong thành phố và một số vùng ven: Vỹ Dạ, Chợ Cống, Bao Vinh, Chợ Nọ, Kim Long. Nông thôn không có xe vì đường xấu, không phù hợp. Xích lô được người già, phụ nữ ưa thích bởi chạy chậm, khách được nhàn nhã quan sát những cảnh tượng, những nét văn hóa trên đường đi qua. Hơn nữa, xích lô giá rẻ hơn dịch vụ xe ôm hoặc taxi.

Sáng sớm và xế chiều là “giờ vàng” trong ngày của xích lô. Xe còn nhận chở hàng ra chợ, hoặc vận tải giường, tủ, bàn ghế, tủ lạnh, máy giặt… đến giao tận nhà cho khách.

Cao điểm của xích lô du lịch Huế là dịp cuối tuần và các ngày nghỉ lễ, số lượng du khách tăng đột biến. Bác Đặng Văn Sáng, 45 tuổi, ở khách sạn Century kể: “Những ngày đó tôi đạp xe rệu rã chân tay, nhưng kiếm được khá tiền”. 

Nghề đạp xích lô đòi hỏi người lái phải có sức bền, đôi chân dẻo dai (xích líp xích lô thắng bằng chân. Thắng tay rất nguy hiểm nếu xe chở nặng). Vậy mà nhìn chung, những người gắn bó với nghề này đều sống thọ. Trái lại, thanh niên bây giờ trẻ khỏe thích nghề lái taxi hơn.

Song, không phải mùa nào xích lô cũng đắt khách. Có khi hơn 23 giờ, ở cổng nhà ga Huế hay bệnh viện vẫn thường thấy xích lô đậu hàng dài đợi khách. Ngoài ra, xích lô du lịch phụ thuộc vào thời tiết.

Mùa nắng đủ sống phong lưu. Mùa mưa ế ẩm chán nản. Mưa Huế rả rích, cái lạnh thấu xương. Có thấy cảnh cánh xích lô dầm mình dưới mưa đợi khách mòn mỏi, hay còng lưng đạp dưới trời đêm lạnh lẽo mới hiểu mình còn may mắn hơn người.

Xích lô phong cách Huế

Xích lô phong cách Huế 

Những năm 1970-80 ở Huế, xe xích lô muốn hành nghề đều phải có biển số. Công an không cấp thêm biển số mới. Vì vậy xe cũ nát vẫn bán được (cái biển số) vài chỉ vàng, sau đó sửa chữa lại mưu sinh.

Xích lô, thành thực mà nói chỉ “lên đời” từ khi Huế trở thành điểm đến, thu hút du khách trong, ngoài nước. Cuộc sống những người đạp xích lô bây giờ khá lên. Môi trường, điều kiện làm việc được chính quyền, các ban ngành quan tâm giúp đỡ.

Đón đưa du khách tham quan bằng xe xích lô là một loại hình đang được các khách sạn Huế chú trọng đầu tư. Mỗi khách sạn tổ chức một nghiệp đoàn, gia nhập được hưởng các chế độ ưu đãi phù hợp.

Quyền lợi đi đôi với nhiệm vụ, tài xế xích lô phải xây dựng thương hiệu, chuyên nghiệp, văn minh hơn, không tranh giành, chặt chém khách. Định kỳ cơ quan chủ quản mở các lớp bổ túc kiến thức về văn hóa, danh lam thắng cảnh để giới thiệu với khách. Bổ túc khả năng giao tiếp tiếng Anh cơ bản. Nhờ đó, hình ảnh người đạp xích lô, trở thành một nét đẹp đời thường của thành phố Festival Huế.

Văn hóa xích lô

Cũng như tính cách Huế, xích lô Huế vừa phải, chừng mực mọi thứ. Từ màu sơn, kiểu chữ, khung sắt, vòng bánh xe, không lớn quá, không phô trương lòe loẹt. Sau Festival trình diễn áo dài “tím Huế” của nhà thiết kế Minh Hạnh, chủ nhân nhiều xích lô cũng muốn khoe một chút đặc trưng Huế, họ chọn sơn xe màu tím.

Cái xe màu tím di chuyển chầm chậm giữa một biển người, ô tô, xe máy cũng là một nét duyên phong trần. Rồi mùa hạ vàng qua đi, mùa đông lại về. Chiếc xích lô khoác lên tấm bạt màu chàm, lầm lũi trong mưa gió.

Nắng mưa dãi dầu như thế, với Huế, xích lô là một phần kỷ niệm khó quên trong đời. Nó là phương tiện giao thông đặc thù, chủ yếu chở người. Các bà các cô thích đi xích lô viếng chùa ngày rằm, mùng một.

Đi xích lô đẹp cốt ở phong cách, cái dáng ngồi. Ngày nay, các ông bà Tây ngồi vắt vẻo trên xích lô ngắm cảnh nước non xứ Huế là chuyện bình thường. Theo mốt, các tài xích lô Huế bây giờ ăn mặc lịch sự, chân đi giày dép đánh xi, vừa đạp xe vừa trò chuyện “xì lô xì la” với khách.

Dân xích lô nói ít mà trải đời, thâm nhập khắp hang cùng ngõ hẻm. Mỗi người là một cuốn “du ký” đầy đặn, sống động. Khách khéo cư xử một chút, họ có thể làm quà cho cả trăm câu chuyện kỳ thú, độc đáo mà trong sách báo không có.

Vào trước những năm 1980, người đạp xích lô Huế không chỉ là người lao động tay chân bình thường, có nhiều vị học hành đầy đủ nhưng gia cảnh sa sút, họ biết tiếng Anh- Pháp; văn thơ Đông Tây kim cổ làu thông.

Cánh xích lô Huế cám cảnh tự hào vì có nhà thơ Phương Xích lô (tên thật Nguyễn Văn Phương), mưu sinh bằng nghề đạp xích lô mà in được hai tập thơ. Khoáng đạt, ung dung tự tại, sinh thời Phương Xích lô tự trào về mình và nghề nghiệp:

Vắng khách đôi khi về chở gió

Không tiền không bạc vẫn cười vang

Dừng lại bên cầu nghe nước chảy

Chợt thấy mình giọt nước Hương Giang.

Xích lô đời thường

Xích lô đời thường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ