Chỉ có một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là mua hoa từ sớm để trưng bày ở đơn vị hoặc dùng làm quà biếu, tặng. Đa số người dân còn lại đều có tâm lý đợi đến ngày 30 Tết hoặc đêm giao thừa mới bắt đầu đi mua hoa, lý do là mua lúc này sẽ rẻ hơn, người bán hoa thì phải bán đổ bán tháo để về quê ăn Tết cùng với gia đình.
Đối với cây cảnh hoặc hoa mai, hoa đào…nếu bán không được thì mang về chăm sóc, năm sau bán tiếp. Nhưng một số loại như hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa thược dược… nếu không bán được thì phải bỏ. Bởi vậy, người bán hoa thường có tâm lý phải bán cho bằng hết, nếu không phải tốn công dọn hoa mang đi đổ.
Gần sát giao thừa, người mua hoa lúc này mới tập nập, nhiều chậu hoa rẻ đến mức bán như cho không. Người bán hoa lỗ nặng, gương mặt thì nặng trĩu, năn nỉ, níu kéo người mua để lấy lại chút vốn liếng đã bỏ ra.
Để không bị xảy ra tình trạng nêu trên, nhiều người bán hoa liên kết lại với nhau để không bán phá giá, nếu hoa ế thì bỏ chứ không bán giá rẻ mạt. Tuy nhiên, việc này cũng khó thực hiện, do một số người bán hoa có tâm lý tiếc của muốn thu lại chút vốn liếng nên liên kết này đều bị phá vỡ.
Hãy nghĩ tới người nông dân “một nắng, hai sương” chăm chút được cây hoa làm đẹp cho đời, cho ngày tết cổ truyền mà chúng ta dẹp bỏ tâm lý đợi đến ngày 30 Tết hoặc đêm giao thừa mới bắt đầu đi mua hoa để cùng sẻ chia, thông cảm với người nông dân. Như thế mới hài hoà, vui vẻ!
Vậy nên, mua hoa, xin đừng đợi đến ngày 30 Tết!