Khối núi Kon Tum gồm hai đỉnh Ngok Linh và Ngok An được coi là mái nhà của toàn vùng.
Lễ ăn trâu
Sẽ không có bất cứ sự mô tả nào đúng về con người văn hóa con người tinh thần của Trường Sơn Tây Nguyên, nếu như không tính đến sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Nghĩa là trong mọi chiều kích của văn hóa rừng. Rừng che phủ, rừng nuôi sống và rừng ngự trị con người từ lúc sinh ra cho đến khi vĩnh biệt người thân để trở về với Mẹ rừng. Một thế giới kỳ ảo, thậm chí đầy vẻ huyền bí ở nơi này.
Vào độ tháng 3, tháng 4 hằng năm, nếu có dịp lên Sơn Tây (huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi), chúng ta thường bắt gặp lễ ăn trâu của đồng bào Kadong - một trong bốn nhóm người của dân tộc Xê Đăng. Miền cao Sơn Tây được tôn vinh là vương quốc cau nằm ở thượng nguồn dòng Đắkdrinh trước khi đổ về sông Trà Khúc, phía Bắc giáp huyện Nam Trà My (Quảng Nam), phía Tây giáp huyện Kon Plông (Kon Tum).
Lễ ăn trâu là lễ hiến tế lớn nhất của cộng đồng người dân tộc thiểu số Kadong. Trong đó, cây nêu và con trâu là hai vật tâm điểm của lễ hội này. Từ nhiều ngày trước, hoa Riơ Kơlung được hái từ trên núi cao Wan Rết đưa về trang trí trên cây nêu. Trong quan niệm của người Kadong, cây nêu là nơi ngự trị của thần Ta Rót, vị thần quan trọng nhất bảo hộ cho bà con có cuộc sống yên bình, được mùa bội thu.
Lễ ăn trâu được bà con tự nguyện tham gia, thành kính và vui nhộn. Các chi tiết trang trí trên cây nêu đều mang ý nghĩa riêng trong hệ thống tín ngưỡng đa thần của người Kadong. Trên nền trắng của hoa Riơ Kơlung, người ta treo hình tượng con chim Han, một linh vật gắn liền với thần Ta Rót.
Để đãi khách vui chơi nhiều ngày trong lễ ăn trâu, người chủ làng phải chuẩn bị lương thực, rượu cần dồi dào, trong đó có món cơm lam truyền thống mà ta thường gặp đây đó ở các dịp lễ trọng của nhiều tộc người thiểu số vùng cao.
Trước khi con trâu hiến tế được chính thức đưa đến trụ nêu, Pơ-dâu (thầy cúng) làm phép cho từng người chui qua vòng cột trâu để cầu sự may mắn, bình an. Đầu tiên là các thành viên trong gia đình chủ làng, sau đó đến những láng giềng trong cộng đồng.
Phụ nữ mang thai luôn được ưu tiên chui qua vòng cột trâu trước, để cầu điều lành sinh nở mẹ tròn con vuông. Các sợi vải trắng được Pơ-dâu làm phép trên đầu rồi sau đó cột vào cổ tay cho từng người trong cuộc lễ. Họ tin rằng, thông qua Pơ-dâu thần linh sẽ ban ơn cho sợi vải theo ước nguyện của người cầu cúng.
Con trâu hiến tế trong lễ trọng được xem như lễ vật thay cho con người dâng lên các thần và đó cũng là ước nguyện đem lại điều lành cho cộng đồng. Có khá nhiều nghi thức trong lễ ăn trâu mà người Kadong cho rằng sẽ giúp họ giải tỏa được những mối liên hệ ràng buộc về tâm linh giữa con người với thế giới siêu nhiên, giúp họ đạt được trạng thái cân bằng về tâm lý.
Trong lời khấn của Pơ-dâu, có đoạn: “Hỡi các thần trên đỉnh núi cao về ăn trâu, hãy bảo vệ xóm làng, bảo vệ nguồn nước, mưa đúng mùa, gió đúng chỗ, để cho dân làng có cái ăn no đủ, sức khỏe được dồi dào”.
Thông thường thì vào thời gian diễn ra các lễ trọng người ta tổ chức ăn uống linh đình nhưng đó là những bữa ăn giao tiếp nhằm xóa đi những mối bất hòa nếu có trong cộng đồng. Trong lời cúng Pơ-dâu có nhắc: “Mình cúng trời rồi, mình cùng ăn cơm của các thần rồi thì không ai đánh đập mình”.
Lễ cúng thần Lúa
Các tộc người thiểu số phía Bắc Tây Nguyên cư trú xung quanh sơn hệ Ngok Linh thường có nhiều lễ cầu đảo và tập tục cầu may tương tự như các bộ tộc làng giáp giới với rừng núi của họ. Bên cạnh các lễ thức nghiêm trang, bao giờ cũng vậy, người vùng cao coi đây là dịp để múa hát, để tâm tình với nhau sau một vòng mùa kết thúc.
Có rất nhiều chi tiết lễ liên quan đến hạt gạo mà họ xem như một điềm lành được ban phát để nuôi nấng con cái họ chóng lớn, trưởng thành. Trong hệ thống tín ngưỡng đa thần còn in đậm dấu vết cổ sơ của dân tộc thiểu số vùng cao, ta dễ dàng cảm nhận được sự hồn nhiên nguyên thủy hoang sơ của nhân loại. Ở đó, thiên nhiên, cụ thể là thiên nhiên rừng không chỉ là cảnh giới bên ngoài, mà đã ăn sâu vào tâm thế của con người trong cách ứng xử giữa con người với mọi vật xung quanh.
Con trâu làm vật hiến sinh cũng được ứng xử như thể nó là một sinh linh giúp cho cộng đồng làng tiếp cận được với vô số các vị thần trên núi thẳm, dưới sông suối, ở những nơi vốn được ràng buộc khá chặt chẽ với đời sống thường ngày của người vùng cao.
Nó cũng được cư xử như thân mệnh một con người, nó thay thế con người dâng lên các vị thần thể xác và linh hồn của nó theo ước nguyện của cộng đồng làng vì thế người ta có hẳn một nghi lễ cúng trâu cho riêng con vật trước khi nó về với thần linh.
Pơ-dâu (thầy cúng) bứt một ít lông trên đầu trâu, cắt nhỏ rồi trộn với gạo làm phép cộng cảm của mọi người đối với con vật hiến tế. Với đức tin mang màu sắc cổ sơ và hồn nhiên, người vùng cao cho rằng hạt gạo dâng lên thần linh trong lễ ăn trâu cũng chứa đựng sự may mắn.
Pơ-dâu làm phép ấn những hạt gạo lên đầu từng thành viên trong cuộc lễ và theo giao ước thầm kín của mỗi người với thần linh mà họ biết được các vị thần có chấp nhận giao ước đó hay không thông qua số chẵn hay số lẻ hạt gạo họ có được.
Một sự liên thông giữa thế giới trần tục với cõi thiêng, quan niệm đó tuy bí ẩn xa lạ với người hiện đại nhưng lại rất gần gũi với tâm thế của đời sống xã hội nông nghiệp còn thô sơ ở vùng cao.
Tuy ngày nay làm lúa rẫy không còn nhiều nhưng nó vẫn là nguồn lương thực dự trữ cơ bản ở vùng sâu, vùng xa của các tộc người thiểu số Trường Sơn Tây Nguyên. Đối với họ, hạt lúa cũng có hồn và thần Lúa luôn là vị thần ưu ái gần gũi cho sự tồn tại của họ.
Gần như tất cả các tộc người thiểu số vùng cao đều có lễ thức cúng thần Lúa trước khi trồng tỉa hay sau khi thu hoạch đưa thần Lúa về kho. Người Kadong còn có lễ cúng lúa dư, tức số lúa giống trồng tỉa xong còn thừa lại mà xin phép thần Lúa cho họ được sử dụng vào bữa ăn giáp hạt.
Những ràng buộc trong một đời người thông qua các lễ tục luôn có mối liên kết theo các quy ước ứng xử với người thân trong gia đình và với cộng đồng làng. Mối liên kết đó có khi là một bữa ăn cộng cảm, một bữa rượu cộng cảm giữa con người với nhau và giữa con người với thế giới siêu nhiên, cụ thể ở đây là thế giới thảo mộc đầy bí ẩn.
Đối với các bộ tộc thiểu số vùng sơn nguyên này, sau bao nhiêu chật vật cho miếng ăn hàng ngày của họ là cái gì đó còn sâu sắc, cao sang và minh triết hơn nhiều trong giao tiếp giữa con người với con người và giữa con người với thế giới tự nhiên.