Nhiều người tiêu dùng tưởng mua được hàng rẻ, nhưng thực ra, người bán đã tự động nâng giá hàng cao hơn thực tế rồi làm bảng khuyến mại. Dưới đây là vài kinh nghiệm mua nhầm được người tiêu dùng ở TP HCM chia sẻ lại:
1. Tăng giá rồi giả vờ khuyến mại
Vào cửa hàng quần áo, nhìn thấy bảng giá sale, quần jeans 325.000 đồng, giảm còn 150.000, áo thun 120.000 giảm còn 45.000 đồng, anh Thành ngụ tại huyện Nhà Bè hào hứng mua luôn 2 bộ. Anh vẫn đinh ninh mua được rẻ cho đến khi cả tháng sau, ngày nào đi qua anh cũng thấy cửa hàng quần áo đó treo bảng giảm giá.
"Về nhà mặc, thấy chất lượng vải rất kém, đường may cũng xấu, tôi biết ngay mình đã bị nhầm. Thực ra, chẳng có chương trình khuyến mại nào cả, chỉ là người bán đã ghi bảng giá giảm để dụ khách mua", anh Thành chia sẻ.
"Đừng vội tin vào những cái gọi là giảm giá", anh Thành kể thêm một kinh nghiệm khác của mình.
Lần đó, anh đặt phòng khách sạn ở quận 1 cho người bà con về chơi qua một ứng dụng đặt phòng trên mạng, do lười đi kiểm tra trực tiếp. Phòng được giảm 25% còn 800.000 đồng/đêm. "Thế nhưng, khi đứa em tôi trực tiếp thuê thêm một phòng tương tự, chẳng khuyến mại hay giảm giá gì mà chỉ có 720.000 đồng", anh Thành nhớ lại.
Một cửa hàng quần áo trên đường Huỳnh Tấn Phát quận 7 lúc nào cũng treo biển giảm giá. |
2. Tăng trọng lượng cho món hàng bằng chất độn
Đi chợ mua cua biển, thấy cua như nhau nhưng một hàng bán 300.000/kg, một hàng bán 350.000 kg, chị Nguyệt ở quận 7, TP HCM chọn mua hàng rẻ hơn. Đem về nấu chị mới giật mình vì cua được buộc bằng dây vải tẩm nước, riêng trọng lượng của dây buộc đã chiếm khoảng 1/4. Tính ra còn đắt hơn hàng cua bán giá cao, bởi chỉ buộc bằng dây nylon.
Chị Trâm ở Gò Vấp, TP HCM thì lại có trải nghiệm không mấy vui vẻ khi mua tôm ở hàng rong ven đường lúc tối trời. Vội về, chị không để ý lúc người bán xúc tôm, chỉ nhìn vào đồng hồ cân. Khi lấy ra chế biến, chị rất bực bội khi lẫn trong túi là vài viên đá đang chảy nước.
Dây vải ẩm giúp tăng trọng lượng của cua. |
3. Tưởng hàng rẻ hóa ra người bán chỉ ghi nửa giá
Thấy người bán hàng chanh rong đi qua, rao 13 nghìn, chị Trang sống ở quận 7 vội chạy theo gọi mua. Chọn được một kg, chị bị người bán đòi 26 nghìn đồng. Hóa ra, cái loa của anh ta rao 13.000 nửa ký mà chị nghe không rõ. Vì mất công ra mua, chị đành tặc lưỡi mua tiếp, nhưng quyết định chỉ lấy 1/2kg.
Mít bán nửa giá trên đường phố TP HCM.. |
Chuyển vào TP HCM sống được mấy năm, ban đầu chị hơi ngạc nhiên khi thỉnh thoảng thấy người bán thực phẩm ghi giá cho nửa kg. Nhìn xa cứ tưởng hàng rẻ, vào chọn chán chê, chị mới phát hiện ra là giá đắt gấp đôi giá mình tưởng. Chị đành mua một ít vì đã mất công chọn. "Nhìn chung, khi nào rau trái đúng mùa, giá rẻ thì người bán sẽ ghi giá cả kg. Khi hàng hiếm, họ ghi ½ kg. Biết thế, mà nhiều lúc tôi vẫn mua hớ", chị Trang chia sẻ.
4. Chỉ bán máy mà lờ đi thiết bị lắp đặt
Đợt nóng nắng tháng 5 vừa rồi, gia đình anh Quyết ở quận 4 quyết định lắp máy lạnh. Vì món hàng giá trị, anh cẩn thận ra mấy trung tâm điện lạnh gần nhà xem mẫu mã và khảo giá rồi chọn ra mẫu mình yêu thích.
Sau đó, anh tiếp tục lên mạng, xem qua vài trang thương mại điện tử. Cuối cùng, anh chọn mua một chiếc điều hòa 9000 BTU giá 6,4 triệu trên mạng, trong khi ở cửa hàng điện máy bán 7,3 triệu. Có điều, trang bán hàng trực tuyến chỉ bán sản phẩm, không lắp đặt. Anh phải trả công cho thợ, mua thêm 5m ống đồng, rồi ống nước thải, băng vải cách nhiệt... Tổng mất 7,45 triệu, anh mới có được chiếc máy lạnh, đắt hơn nếu mua ở cửa hàng là được bao toàn bộ công lắp và các vật tư đi kèm.
Tưởng mua được máy điều hòa rẻ, nhưng cộng thêm công lắp và các phụ kiện đi kèm nên tổng hóa đơn anh Quyết phải trả cũng không hề rẻ hơn mua trọn gói. |