Mùa hè ý nghĩa

GD&TĐ - Hè được xem là mùa của tình nguyện với nhiều hoạt động Đoàn không chỉ mang ý nghĩa giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống mà còn trang bị kỹ năng cần thiết. Do đó, các hoạt động tình nguyện của Đoàn trường ngày càng được quan tâm, tổ chức bổ ích, thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc…

Sinh viên tình nguyện Học viện Quản lý Giáo dục có nhiều hoạt động ý nghĩa ở những địa phương khó khăn. Ảnh: NTCC
Sinh viên tình nguyện Học viện Quản lý Giáo dục có nhiều hoạt động ý nghĩa ở những địa phương khó khăn. Ảnh: NTCC

Lan tỏa phong trào Đoàn

Có thể thấy, hoạt động Đoàn tổ chức trong trường đại học, cao đẳng đã trở thành truyền thống và đem lại hiệu quả giáo dục cao, thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Từ đó, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ cho phong trào Đoàn.

Thực tế cũng ghi nhận nhiều công trình, hoạt động bắt nguồn từ Đoàn trường đã phát huy hiệu quả, giá trị. Có thể kể tới như: Chiến dịch xóa mù chữ cho đồng bào vùng cao; dạy học ngoại ngữ; vệ sinh đường làng, ngõ xóm; tu bổ sửa chữa trường lớp, nhà ở tại địa địa phương vùng khó; thăm hỏi động viên gia đình chính sách… Các giá trị đạt được đã hỗ trợ thiết thực cho đời sống người dân và xã hội.

Anh Nguyễn Huy Hoàng - Bí thư Đoàn Thanh niên, Học viện Quản lý Giáo dục chia sẻ: Năm nay trường lựa chọn 40 đoàn viên ưu tú nhất để triển khai “Mùa hè xanh” tại huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) với các hoạt động hướng về Ngày Thương binh liệt sĩ, hỗ trợ bà con nghèo, đưa văn hóa đến thiếu nhi vùng khó…

“Những năm trước đây, Đoàn trường lựa chọn một số hoạt động như: Tiếp sức mùa thi; Bổ túc kiến thức cho học sinh… nhưng hè năm nay đã hướng đến chủ đề khác, phù hợp nhất với điều kiện học tập, thực tế của sinh viên cũng như mong muốn, yêu cầu giúp đỡ của người dân tại địa phương…”, anh Hoàng cho biết.

Sau thời gian dài ngăn cách bởi dịch Covid-19, chiến dịch “Mùa hè xanh” đã sôi động trở lại với sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Ngoại thương. Nguyễn Hà Anh - sinh viên năm thứ 2 khoa Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Ngoại thương trao đổi: Năm nay hoạt động tiếp tục huy động nguồn kinh phí từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm để trao những phần quà đến người dân nghèo; dạy tiếng Anh, sơn sửa phòng lớp học…

“Mùa hè xanh 2022” dành cho sinh viên tình nguyện không chỉ là sân chơi của những trải nghiệm mới mẻ mà hơn thế là nơi trao gửi tình yêu thương và sự cảm thông. Đâu đó vẫn có những người em nhỏ, hoàn cảnh éo le rất cần vòng tay hỗ trợ. Chính vì vậy, em và các bạn hào hứng và cố gắng tham gia…”, Hà Anh bày tỏ.

Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh, Ninh Bình) nhiều năm nay trường kết hợp với toàn bộ số Đoàn viên sinh viên về nghỉ hè tại địa phương để hỗ trợ bổ sung kiến thức cho học sinh có kết quả học tập chưa tốt (trong tháng 7). Theo cô Trần Thị Hợi, Hiệu trưởng nhà trường, cách làm này đã và đang phát huy hiệu quả tích cực. Sinh viên và học sinh được hỗ trợ không ngần ngại, thậm chí tạo ra luồng không khí mới trong việc bổ trợ kiến thức trong dịp hè.

“Nhiều học sinh với sự hỗ trợ của sinh viên tình nguyện trước khi bước vào năm học mới, qua khảo sát chất lượng văn hóa đều thể hiện sự tiến bộ. Sinh viên với nhiều phương pháp truyền đạt đổi mới, sáng tạo và theo kinh nghiệm cá nhân (chỉ trong 1 tháng, tuần 2 - 3 buổi) tạo được nền tảng kiến thức vững chắc cho các em nhỏ. Đội ngũ giáo viên của trường có thêm thời gian để bồi dưỡng, tập huấn, tự nghiên cứu nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ trước khi bước vào năm học mới…”, cô Hợi khẳng định.

Sinh viên Học viện Quản lý Giáo dục dọn dẹp, sơn sửa lại phòng học, bàn ghế. Ảnh: NTCC

Sinh viên Học viện Quản lý Giáo dục dọn dẹp, sơn sửa lại phòng học, bàn ghế. Ảnh: NTCC

Không chạy theo hình thức

Anh Nguyễn Huy Hoàng khẳng định: Những phong trào Đoàn có ý nghĩa với cộng đồng xã hội luôn có sức hấp dẫn với đoàn viên sinh viên. Khi được khẳng định khả năng, cống hiến cho xã hội, được cho đi để nhận về những giá trị đích thực… giới trẻ sẽ cảm thấy vui, ý nghĩa, tự hào.

“Hàng năm, số sinh viên tình nguyện đăng ký tham gia hoạt động hè của Đoàn trường thường vượt quá con số dự kiến. Có được điều đó bởi Đoàn trường bên cạnh nhận sự quan tâm định hướng của ban lãnh đạo Học viện còn tích cực đổi mới trong hoạt động.

Việc tổ chức không chỉ hướng tới phù hợp với khả năng, thực tế của sinh viên mà còn căn cứ vào nhu cầu, mong muốn của địa phương nơi sinh viên tới thực hiện các hoạt động. Đặc biệt, Đoàn trường không chạy theo số đông sinh viên tham gia mà lựa chọn kỹ càng những đoàn viên có phẩm chất đạo đức, sự nhiệt tình, trách nhiệm…”, anh Hoàng khẳng định.

Nguyễn Thị Vui, sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Y Hà Nội dù khá bận rộn với việc học tập, thực hành tại bệnh viện, làm thêm gia sư. Song với các hoạt động Đoàn ý nghĩa (khám bệnh, giúp đỡ người bệnh, tuyên truyền về phòng dịch…) Vui luôn sẵn sàng thu xếp thời gian để tham gia. “Em không chỉ được trải nghiệm thực tế mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng, biết chia sẻ cảm thông, hết mình với bệnh nhân... Được cống hiến cho xã hội cũng là hạnh phúc, trách nhiệm của sinh viên ngành Y trước khi bước vào thực tế”, Vui tâm sự.

Các phong trào Đoàn ý nghĩa, thiết thực với cộng đồng và có sức hấp dẫn chắc chắn đoàn viên sẽ tham gia tích cực. Được khẳng định khả năng và cống hiến cho xã hội, cho đi để nhận về những giá trị đích thực… là “phương châm” sống được nhiều sinh viên lựa chọn thông qua các hoạt động Đoàn ý nghĩa, trong đó có em. -Nguyễn Minh Phương (đoàn viên Đoàn Thanh niên Học viện Phụ nữ Việt Nam)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ