Mùa hè ý nghĩa: Ngày Hè không nghỉ của thầy cô

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo quy định, giáo viên có gần 2 tháng nghỉ Hè. Thế nhưng, nhiều thầy cô đã dành trọn mùa Hè để tham gia nhiều công việc tại trường...

Lớp học bơi miễn phí của thầy Nguyễn Viết Tước được tổ chức cho học sinh vùng biển huyện Gio Linh (Quảng Trị). Ảnh: NVCC
Lớp học bơi miễn phí của thầy Nguyễn Viết Tước được tổ chức cho học sinh vùng biển huyện Gio Linh (Quảng Trị). Ảnh: NVCC

Nhiều thầy cô đã dành trọn mùa Hè để tham gia tu sửa cơ sở vật chất trường lớp, tổ chức dạy bơi, các môn nghệ thuật, hoặc bổ túc lại kiến thức còn yếu… miễn phí cho học sinh.

Dạy miễn phí

Dù học sinh chưa chính thức nghỉ Hè nhưng thầy Nguyễn Viết Tước - giáo viên Trường Tiểu học - THCS Hải Vĩnh (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) đã lên lịch cho những lớp dạy bơi miễn phí ở nhiều địa phương trong tỉnh. Trong đó, có 4 lớp học bơi miễn phí được tổ chức ở hệ thống kênh thủy lợi N4 vì địa bàn xã Hải Hưng rộng, học sinh nếu phải di chuyển về bể bơi của xã thì quá xa. Hai lớp còn lại sẽ tổ chức ở bể bơi của xã.

Ngoài ra, thầy Tước sẽ tổ chức 4 lớp dạy bơi cho học sinh dân tộc thiểu số ở huyện Đakrông, Hướng Hóa. “Ở những vùng này có nhiều sông, suối, khe, nguy cơ đuối nước mùa Hè cao nên tôi sẽ ưu tiên tổ chức các lớp bơi an toàn. Ở huyện Gio Linh, Triệu Phong cũng có 4 lớp, mỗi lớp 20 em, được tổ chức vào cuối tháng 7”, thầy Tước cho hay.

Để dạy bơi cho học sinh, thầy Tước tự bỏ tiền mua sắm dụng cụ như áo phao, lưới, dây buộc dọc bờ kênh, nhiều cây tre buộc ngang kênh cho các em cầm tay tập bơi an toàn. “Ở địa bàn miền núi, tôi thường ngủ tại nhà văn hóa xã; cũng có lúc ở nhờ nhà bạn bè, người thân… Kinh phí ăn ở, di chuyển đều tự túc nên phải tính toán tiết kiệm nhất để đảm bảo lâu dài với hoạt động thiện nguyện”, thầy Tước cho biết.

Trường THCS Trà Mai (Nam Trà My, Quảng Nam) tổ chức các lớp phụ đạo miễn phí trong Hè từ ngày 15/6. Cô Lê Thị Hiếu - giáo viên Toán sẽ cùng với một số thầy cô khác của 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh tham gia dạy trong 2 tháng Hè.

Trước đó, mùa Hè 2023, cô Hiếu dạy phụ đạo miễn phí trong tháng 5 cho gần 10 học sinh lớp 9 đăng ký dự thi vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Nam và trường chuyên. Trong số này, 2 em đỗ vào trường nội trú và một em đỗ vào Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tam Kỳ).

Theo dự kiến, cô Hiếu sẽ ôn tập môn Toán cho khối lớp 6 và lớp 8 của năm học 2023 - 2024. Trong đó, học sinh khối lớp 8 đăng ký học Hè đông nhất với khoảng 2/3 lớp.

Cô Hiếu thông tin: “Với lớp phụ đạo Hè 2024, học sinh không học kiến thức mới, chỉ ôn tập, củng cố lại kiến thức, kỹ năng lớp dưới để tạo đà cho năm học mới. Vì vậy, giáo viên vừa ôn lại kiến thức cơ bản, vừa ra bài tập cho học sinh. Dù không phân chia thành lớp theo mức độ tiếp nhận nhưng tôi xây dựng hệ thống bài tập có dạng bài phù hợp để các em không thấy nản vì quá sức”.

Lễ khởi công xây dựng điểm trường thôn 5 Takchai thuộc Trường PTDTBT Tiểu học Trà Cang (Nam Trà My, Quảng Nam). Ảnh: Nguyễn Trần Vỹ

Lễ khởi công xây dựng điểm trường thôn 5 Takchai thuộc Trường PTDTBT Tiểu học Trà Cang (Nam Trà My, Quảng Nam). Ảnh: Nguyễn Trần Vỹ

Do nhà ở cạnh trường nên cô Nguyễn Thị Dương - giáo viên tiếng Anh, Trường THCS Trà Mai (Nam Trà My, Quảng Nam) thuận tiện trong việc sắp xếp dạy phụ đạo Hè. “So với khu vực đồng bằng, học sinh vùng cao nhiều thiệt thòi nên làm được gì để nâng cao chất lượng dạy học, tôi và đồng nghiệp đều cố gắng hết sức”, nữ nhà giáo chia sẻ. Để học sinh hứng thú với tiết ôn tập trong Hè, cô Dương thường tổ chức các trò chơi. Bài tập cũng được xây dựng lại, phù hợp mức độ tiếp nhận giúp học sinh không có tâm lý chán nản.

Cô Dương và cô Hiếu cho biết, mỗi môn học, nhà trường bố trí 2 giáo viên dạy luân phiên, lịch dạy phụ đạo Hè được sắp xếp trong một tuần sau đó có một tuần nghỉ. Điều này giúp các thầy, cô thu xếp được công việc gia đình, thuận tiện hơn trong chăm sóc con cái, người thân…

Cô Nguyễn Thị Vy - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) cũng tham gia dạy phụ đạo Hè miễn phí cho học sinh bị hổng kiến thức, tiếp thu chậm, học lực yếu, kém ở cấp tiểu học.

Lớp học Hè bán trú của trường được tổ chức từ thứ 2 đến thứ 4 hằng tuần. Nhà ở xã Trà Don (Nam Trà My, Quảng Nam) nhưng vì có con nhỏ 2 tuổi nên cô Vy đi về trong ngày. “Bé lớn 5 tuổi, những hôm không mưa, tôi đưa con xuống trường để ông bà đỡ vất vả vì chăm một lúc 2 cháu nhỏ. Khi mẹ dạy học con sẽ ngồi vẽ tranh, tập tô chữ. Có khi cháu tự chơi một mình ở góc cuối lớp học”, cô Vy kể.

Thuận lợi của cô Vy là được phân công đứng lớp phụ đạo cho học sinh của chính mình dạy trong năm học. “Nhiều em chưa thành thạo khi thực hiện các phép tính hỗn hợp có cộng, trừ, nhân, chia. Đặc biệt, với phép chia có dư, bài toán có lời giải, học sinh làm rất chậm. Vì vậy, ngoài nhắc lại kiến thức cũ, tôi sẽ giao phiếu bài tập để các em làm thật nhuần nhuyễn. Đồng thời, rèn thêm cả kỹ năng diễn đạt trong phân môn tập làm văn cho từng học sinh”, cô Vy thông tin về kế hoạch dạy phụ đạo trong Hè.

Bữa ăn bán trú Hè của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) được tổ chức từ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Ảnh: NTCC

Bữa ăn bán trú Hè của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) được tổ chức từ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Ảnh: NTCC

Những người kết nối đặc biệt

Để duy trì lớp bán trú Hè, tổ chức 3 bữa ăn/ngày cho 40 học sinh ở cấp tiểu học, từ giữa học kỳ II, thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Trà Nam đã vận động kinh phí hỗ trợ của các nhà hảo tâm.

Thầy Võ Đăng Chín chia sẻ: “Muốn phụ huynh từ các thôn, nóc đồng thuận đưa con xuống trường học Hè thì các em phải ở lại trường, nhà trường lo chuyện ăn, ngủ. Nhưng trong Hè, học sinh không có chế độ hỗ trợ tiền ăn. Thêm cái khó, các em còn nhỏ tuổi lại phải đi bộ nửa ngày mới tới trường nên phải có một phụ huynh đại diện đi cùng”.

Thầy cô đứng lớp trên tinh thần tình nguyện nhưng nhà trường phải “xoay” được kinh phí tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh và phụ huynh đi cùng. Khi phụ huynh đồng ý đưa con xuống trường học cũng phải bố trí lịch học 3 ngày liên tục để họ cùng ở lại rồi đưa con về. Lịch học các lớp phụ đạo Hè miễn phí của trường vì vậy được sắp xếp từ thứ 2 đến thứ 4. Các ngày còn lại, giáo viên tập trung xây dựng giáo án, chuẩn bị hệ thống bài tập cho học sinh.

Mùa Hè nào, thời gian nghỉ của thầy Nguyễn Trần Vỹ - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính cũng bị “cắt ngắn” vì theo các công trình trường học, xây cầu dân sinh được xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Câu lạc bộ Kết nối Nam Trà My do thầy Vỹ làm chủ nhiệm vừa vận động kinh phí để xây dựng kiên cố hóa điểm trường thôn 5 Takchai thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Cang (Nam Trà My, Quảng Nam).

Ngoài ra, 3 công trình trường học khác đã hoàn thành công tác khảo sát, vận động bà con địa phương cùng tham gia vận chuyển nguyên vật liệu trong quá trình thi công. Tổng chi phí xây dựng 4 công trình trường học tại các điểm trường thôn xã Trà Cang, Trà Vinh, Trà Tập khoảng 3,5 tỷ đồng. Với vai trò người kết nối và chủ nhiệm câu lạc bộ, đây sẽ là mùa Hè bận rộn của thầy Vỹ khi cùng tham gia giám sát quá trình xây dựng, cập nhật tiến độ với đơn vị tài trợ…

“Năm tới, học sinh khối 9 sẽ thi tuyển sinh để xét vào lớp 10 THPT công lập. Đây gần như là kỳ thi có tính chất cạnh tranh mà học sinh của trường tham dự lần đầu tiên. Vì vậy, thầy cô sẽ tranh thủ 3 tháng Hè để bổ túc, củng cố kiến thức, kỹ năng, giúp các em tự tin hơn khi bước vào năm học mới”. - Thầy Nguyễn Khắc Điệp - Hiệu trưởng Trường THCS Trà Mai (Nam Trà My, Quảng Nam)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những hình ảnh ý nghĩa trong mùa thi

Những hình ảnh ý nghĩa trong mùa thi

GD&TĐ - Chiều 28/6, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã kết thúc. Đọng lại ở mỗi người là những câu chuyện, việc làm, hành động đẹp, ý nghĩa và nhân văn.