Mùa hè bận rộn: Trò chuẩn bị thi, thầy cô chưa nghỉ

GD&TĐ - Năm học 2020 – 2021 đã hoàn thành, nhưng nhiều trường học tại Nghệ An vẫn mở cửa từ sáng đến tối. Đặc biệt ở trường vùng cao, khi trò chuẩn bị thi, thầy cô cũng chưa nghỉ.

Trường THPT Quế Phong đón học sinh đến học bài vào buổi tối.
Trường THPT Quế Phong đón học sinh đến học bài vào buổi tối.

Ngoài ôn luyện kiến thức, thầy cô lo lắng đưa đón trò đi thi, tìm chỗ ăn ở, quản lý và giám sát để bảo đảm an toàn cho học sinh lớp 12 khi dịch bệnh còn phức tạp. 

Mùa hè muộn của thầy cô trường bán trú

Theo kế hoạch, Trường PTDTBT THCS Yên Tĩnh (huyện Tương Dương, Nghệ An) kết thúc năm học 2020 – 2021 từ cuối tháng 5. Tuy nhiên, thay vì có kỳ nghỉ hè sớm, các thầy cô giáo của ngôi trường bán trú này vẫn miệt mài bám trường, bám học trò cuối cấp.

Năm nay, trường có 40 em tham gia vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Các em đều là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhưng các em đều biết vượt lên sự vất vả, thiệt thòi, muốn tiếp tục con đường học tập. Trong suốt thời gian chuẩn bị cho kỳ thi, giáo viên nhà trường ở lại trực hè, ngoài ôn tập kiến thức cho học sinh, còn thay cha mẹ hướng dẫn các em hoàn tất hồ sơ, điều kiện dự thi lớp 10.

Huyện Tương Dương có 2 trường THPT, trường gần nhất  cách xã Yên Tĩnh hơn 50km. “Nếu để phụ huynh tự lo liệu, một số em sẽ khó tham gia kỳ thi vì nhiều lý do. Có em bố mẹ đi làm ăn xa, sống cùng ông bà già yếu. Có em sớm chịu cảnh mồ côi. Trước thực tế đó, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh để tìm ra giải pháp tối ưu. Ý kiến của gia đình học sinh là mong muốn nhà trường chăm lo và đưa rước con em”, thầy Nguyễn Văn Thọ  - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Trước thực tế này, Trường PTDTBT THCS Yên Tĩnh quyết định hỗ trợ, đưa đón, lo chỗ ăn nghỉ cho học sinh dự thi vào lớp 10 tại Trường THPT Tương Dương 1 (thị trấn Hòa Bình). Giáo viên dùng xe cá nhân chở 40 học sinh ra thị trấn, bố trí ăn nghỉ tại khách sạn. Nhà trường cũng bố trí giáo viên ở cùng học sinh để tiện quản lý, theo dõi, điểm danh và đưa đón các em từ khách sạn đến điểm thi. Đồng thời động viên tinh thần học sinh sau mỗi buổi thi. Kinh phí ăn ở của học sinh một phần do phụ huynh đóng góp, còn lại nhà trường hỗ trợ.

Kha Thị Nhi (một trong 40 em được thầy cô đưa đi thi) có hoàn cảnh éo le. Bố mất từ khi em chưa vào lớp 1, sau đó không lâu mẹ Nhi cũng bỏ đi lao động ở Trung Quốc. Ông bà nội ngoại 2 bên đều đã mất, cô bé dân tộc Thái phải nương tựa vào gia đình ông bác. Nhờ tình thân, sự chia sẻ, giúp đỡ của nhà trường, Nhi đã học được hết lớp 9, như một kỳ tích ở xã vùng sâu, vùng xa này.

Nhi chia sẻ: “Ông lớn tuổi không thể đưa em đi thi. May có thầy cô đưa đón, nên em và ông không phải lo lắng gì nữa. Có thầy cô, em cũng tự tin và yên tâm hơn trong mấy ngày thi. Em đã cố gắng làm bài tốt nhất để không phụ công thầy cô giáo”.

Thầy Nguyễn Văn Thọ - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS điểm danh học sinh trước mỗi buổi thi. Ảnh: Đình Tuân
Thầy Nguyễn Văn Thọ - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS điểm danh học sinh trước mỗi buổi thi. Ảnh: Đình Tuân

Lo bữa ăn, thức ôn thi cùng trò

Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, giáo viên Trường THPT Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã nấu hơn 500 suất cơm cho thí sinh, phụ huynh trên địa bàn. Kỳ Sơn là huyện miền núi, biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An. Toàn huyện chỉ có 1 trường THPT, vì vậy, ngoài những em ở thị trấn Mường Xén, phần lớn thí sinh đến từ xã vùng sâu, xa xôi. Để giảm bớt khó khăn, vất vả cho thí sinh, phụ huynh dự thi, các thầy cô Trường THPT Kỳ Sơn đã thống nhất, chung tay nấu cơm miễn phí phục vụ các em.

Theo thầy Trần Văn Vân – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn, đây là hoạt động thường niên của trường trong nhiều năm qua. Sắp tới, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, công đoàn, đoàn thanh niên nhà trường cũng huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ “tiếp sức mùa thi”. Dự kiến tại kỳ thi này, trường sẽ hỗ trợ suất ăn, nước uống miễn phí cho thí sinh và phụ huynh.

Thời gian này, thầy trò Trường THPT Quế Phong (huyện Quế Phong, Nghệ An) đang duy trì nền nếp ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Học sinh của trường có tới hơn 80% ở vùng sâu, vùng xa, phải ở trọ đi học, tự lập trong sinh hoạt.

“Nếu học sinh về nhà, cũng không có điều kiện học ôn, học thêm ở đâu. Chưa kể nhiều em ở bản làng không có sóng điện thoại, việc liên lạc khó khăn, không thể học trực tuyến hoặc lấy tài liệu ôn tập trên mạng Internet. Vì vậy, nhiều năm nay, sau khi nghỉ hè, nhà trường đều tổ chức ôn thi miễn phí cho học sinh ở trường”, thầy Nguyễn Hồng Tư – Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Theo lãnh đạo Trường THPT Quế Phong, thời điểm nước rút này, giáo viên phân nhóm học sinh để luyện thi phù hợp, nâng cao cho học sinh khá giỏi, và dạy kỹ kiến thức cơ bản cho học sinh trung bình. Riêng những em yếu có lớp phụ đạo giúp các em thoát “điểm liệt”. Buổi sáng và chiều, có giáo viên phụ trách ôn thi, còn buổi tối, nhà trường vẫn mở cửa thư viện để học sinh đến tự học. 

Nếu giáo viên tiếp tục dạy vào buổi tối, học sinh không có thời gian tự học, tự rèn luyện kiến thức, kỹ năng của mình. Điều này tạo sự lệ thuộc và kiến thức vẫn là của thầy cô, các em sẽ không chủ động khi thi thật. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn bố trí giáo viên có chuyên môn lớp 12 trực giám sát, quản lý học sinh tự học. Để trong khi làm bài tập, luyện đề, có vấn đề gì khó hiểu, các em có thể tìm sự trợ giúp, hướng dẫn của thầy cô. - Thầy Nguyễn Hồng Tư

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ