Ai đi qua đoạn đường này đều sẽ nhìn thấy người đàn bà mặc bộ quần áo cũ sờn nhuốm màu thời gian ngồi bên bến sông. Có người tò mò đến hỏi thăm bắt chuyện thì mới biết người đàn bà đó tâm trí không được bình thường.
Mấy đứa nhỏ hay gọi là mụ điên rồi dần dà đó cũng thành cái tên người ta gọi người đàn bà kia. Dù trời mưa hay trời nắng người ta vẫn nhìn thấy mụ điên ngồi lì bên bờ sông đó.
Mấy hôm trời nắng gắt, tụi nhỏ đi học về rủ nhau xuống bến sông gần chỗ mụ điên hay ngồi tắm cho mát. Thế nhưng, lũ trẻ vừa quăng chiếc cặp xuống đất còn chưa kịp chạm một bàn chân vào dòng nước mát lạnh thì tiếng mụ điên đã vang vọng:
“Đi… đi… hết cho tao”.
“Không cho… không cho”.
Mụ điên vừa la hét vừa khua tay múa chân làm lũ trẻ sợ tái mặt vội vội vàng vàng nhặt cặp lên rồi chạy té khói. Có đứa gan lì chạy đến đẩy mụ điên một cái.
“Mụ điên! Bà đi chết đi”.
“Chết… chết”.
Mụ điên ngã sõng soài ra đất nhìn bọn trẻ bỏ chạy tán loạn. Có người lớn đi ngang qua nhìn thấy cũng dừng lại răn đe cảnh cáo mụ không được hù dọa bọn trẻ nữa. Nhưng mụ chẳng trả lời đi lời lại chỉ lẩm nhẩm hai từ “chết”… “chết”.
* * *
Mụ điên không phải người của xứ này. Hơn một năm trước người ta nhìn thấy một người phụ nữ bế một đứa trẻ tầm hai, ba tuổi lang thang đến nơi này. Có người bảo, lúc đó mụ điên vẫn còn tỉnh táo và sáng suốt lắm.
Mụ còn biết xin việc quét chợ kiếm tiền nuôi con. Mấy người bán ở chợ thấy mụ hiền, chịu thương chịu khó cũng thương tình. Người cho bó rau, người cho con cá. Thỉnh thoảng còn hùn ít tiền lẻ đưa mụ mua sữa cho con mỗi khi đứa trẻ khóc nức nở vì đói.
Mấy hôm có chị cán bộ trên xã tìm đến hai mẹ con mụ để hỏi thăm hoàn cảnh. Mụ lặng thinh ôm con trong lòng mà không nói năng gì. Chị cán bộ nhận thấy cảm xúc của mụ có điều bất ổn cũng kiên nhẫn an ủi, động viên.
“Chị ở đâu đến xứ này? Nếu chị cần tiền để về quê nhà thì chúng tôi có thể giúp đỡ chị mà”.
“Chị không thể lang thang ăn ngủ ở chợ này mãi được. Chị không lo cho chị thì cũng phải nghĩ đến đứa nhỏ chứ. Chị định thế này nuôi nó khôn lớn sao?”
Những giọt nước mắt bắt đầu lăn dài trên má mụ. Mụ khóc thút thít, đứa nhỏ nhìn thấy mụ khóc cũng oà khóc theo. Chị cán bộ lúng túng lấy kẹo rồi bánh đưa cho đứa nhỏ dỗ dành. Phải một lúc sau mới nghe mụ lí nhí trong tiếng nấc nghẹn.
“Cha má với chồng tui chết hết rồi. Nhà cửa cũng cháy hết không còn gì”.
Mụ kể, hôm nhà mụ bị cháy, cha má và chồng mụ mắc kẹt trong nhà nên chết hết. Còn mụ và đứa nhỏ do không ở nhà nên may mắn sống sót. Nhưng sau đám cháy, mụ chẳng còn gì, người thân và tài sản đều bị ngọn lửa tàn nhẫn thiêu rụi hết.
Mụ bế đứa con nhỏ lang thang đây đó, chứ chẳng dám nán lại quê nhà sợ nhìn cảnh nhớ người lại càng đau thương. Sau khi nắm rõ hoàn cảnh, cán bộ trên xã sắp xếp cho mụ đến thuê ở một căn nhà trọ giá rẻ. Mọi người biết chuyện cũng thương cảm chung tay giúp đỡ mụ. Mụ siêng năng và chăm chỉ, ai thuê mướn gì mụ cũng nhận làm.
Vào một ngày mưa giông kéo đến với cuộc đời mụ lần nữa. Có mấy người thuê trọ rủ mụ ra bờ sông bắt hến. Hến ở đoạn sông đó to và mẩy lắm. Hến lúc này bán cũng được giá nên mụ mang thau rổ rồi bế theo con nhỏ ra bờ sông.
Mụ chẳng dám bỏ con nhỏ ở nhà một mình, cũng không thân thiết ai để gửi nhờ giữ hộ. Mụ chỉ có thể đi đâu cũng đem con đi cùng. Mụ đặt con gái vào cái thau to, bên trong có vài cái bánh nhỏ và đồ chơi mà con bé hay chơi rồi để con gái chơi một mình trên bờ.
Mụ lội xuống sông bắt đầu hụp lội xúc từng rổ hến. Mụ chẳng dám rời đi xa chỗ con gái, cứ chốc chốc lại liếc nhìn về phía con. Thế mà lần này mụ quay đầu nhìn chỉ thấy cái thau ngã nghiêng còn con gái thì không thấy đâu nữa. Mụ hốt hoảng chạy nhanh lên bờ tìm kiếm.
Những người đi cùng nghe tiếng la hét thất thanh của mụ gọi con cũng tảng ra đi tìm khắp ngõ. Đáng tiếc không tìm thấy vết tích nào của con gái mụ. Cho đến hai ngày sau người ta tìm thấy xác con gái mụ ở đám dừa nước cách bến sông chỗ mụ bắt hến vài trăm mét. Mụ ôm xác con khóc ròng, vừa khóc vừa hét gọi tên.
“Tội nghiệp con nhỏ. Người nhà chết cháy hết còn mỗi con gái nhỏ mẹ con nương tựa nhau. Giờ con gái lại chết đuối. Số con nhỏ sao mà đáng thương dữ”.
Từ ngày mất con, mụ như cái xác không hồn. Ai nói ai hỏi gì cũng im thin thít, thi thoảng lại tự cười cười, nói nói một mình. Cán bộ trên xã rồi đến mấy người hàng xóm chung khu trọ lần lượt đến khuyên nhủ, an ủi mụ.
Nhưng mụ vẫn cứ như vậy, ngày ngày ngồi ở bến sông lặng lẽ đắm chìm trong không gian của riêng mụ. Có người thương mỗi ngày đi ngang qua cho chai nước, ổ bánh mì hay hộp cơm.
Mụ điên điên, dại dại nhưng cũng biết ơn biết nghĩa. Ai cho gì cũng cười ngây dại cảm ơn. Rồi vừa ăn vừa đút cho con búp bê nằm trong cái thau bên cạnh.
* * *
Tôi là phóng viên. Trong chuyến đi tác nghiệp, lúc đi ngang qua một đoạn đường, tôi nhìn thấy một người phụ nữ đang ngâm nga hát bên bờ sông thì hiếu kỳ dừng lại quan sát.
Đầu tóc rối, mặt mũi tèm lem kèm theo bộ quần áo nhàu nát cũ kỹ. Tôi nhận ra điều gì đó nên quyết định mạnh dạn tiến đến gần. Thế nhưng có đứa nhỏ chạy ngang nhắc nhở:
“Cô đừng có đến gần mụ điên. Mụ ấy đánh cô chết đó”.
“Cô đó bị điên thật hả con?”
“Thật sao không? Con bả chết, rồi chồng cha mẹ gì cũng chết láng. Hỏi thử sao không điên”.
Tôi nhíu mày trầm ngâm. Nắng chiều hắt lên bóng dáng người phụ nữ trước mặt, thân ảnh gầy gò đáng thương. Tôi thầm nghĩ chẳng lẽ người ở đây không ai có ý muốn giúp đỡ. Điên chẳng phải là căn bệnh tâm lý thôi sao. Tôi tìm đến ủy ban xã trình bày ý kiến của mình về mụ điên.
Chị cán bộ tiếp đón cũng nhiệt tình giãi bày hoàn cảnh của mụ. Chị bảo mụ điên gặp quá nhiều biến cố, trải qua nhiều cú sốc lớn mất hết người thân đã làm tâm lý mụ trở nên không còn tỉnh táo nữa. Nhiều lần cũng có mạnh thường quân đưa bác sĩ đến khám cho mụ nhưng có lẽ điên dại sẽ xoa dịu được nỗi đau trong lòng mụ.
Tỉnh táo chỉ càng làm vết thương lòng thêm đau thêm nhức. Mụ điên nhưng vẫn còn biết phân biệt phải trái đúng sai. Khi có người đến giúp đỡ mụ cũng gật đầu cảm ơn như gà mổ thóc.
“Mụ điên lại gây chuyện rồi”.
Anh cán bộ hớt hải chạy về hướng bến sông. Tôi cũng đuổi theo. Vừa ra đến bến sông đã nhìn thấy mọi người xúm tụm xôn xao. Tôi do dự bước đến gần thử hỏi một người phụ nữ đứng bên ngoài vòng tròn người đang xoay quanh một đứa trẻ.
“Có chuyện gì vậy chị? Đứa nhỏ bị sao vậy?”
“Mụ điên chấn nước thằng nhỏ, xém chút nữa thì thằng nhỏ đi chầu ông bà rồi. May mà có người tới kịp”.
Tôi nâng cặp kính cận của mình đưa mắt dõi nhìn khắp nơi tìm kiếm bóng dáng người phụ nữ điên dại. Mụ điên đang bị mấy người dân mắng té tát. Thậm chí có người không nhẫn nhịn được lỡ tay đánh mụ mấy cái vào bả vai. Mụ điên không phản kháng, ngồi ôm đầu gối chịu trận. Miệng lẩm bẩm hai từ chết… chết.
Cả người mụ điên ướt sũng, gió lất phất thổi đến khiến mụ run rẩy. Có người đề nghị giao mụ cho công an. Có người lại khuyên bỏ qua cho mụ lần này dù sao đứa nhỏ cũng không sao. Mọi người tranh cãi không tìm được tiếng nói chung để giải quyết vụ việc cho đến khi thằng nhỏ mơ màng tỉnh lại.
“Thằng An tỉnh rồi”.
Thằng An lắp bắp hụt hơi:
“Mụ điên…”
“Con yên tâm. Mẹ đã kêu công an bắt mụ điên lại rồi. Con đừng sợ”.
Thằng An hốt hoảng giọng nói ngắt quãng:
“Là mụ… điên… cứu con”.
Mọi người đều ngơ ngác, cứ nghĩ thằng An vừa tỉnh nên nói sảng. Không ai tin rằng mụ điên lại dũng cảm nhảy xuống sông cứu một đứa trẻ sắp chết đuối được. Mụ không tỉnh táo thì làm sao biết cứu người.
* * *
Tôi tìm đến bờ sông để gặp gỡ mụ điên. Sau khi nhóc An khỏe lại, thằng nhóc đã kể lại toàn bộ sự việc xảy ra. Lúc đi ngang qua bờ sông, gió bất ngờ nổi lên dữ dội thổi bay cái nón đang đội trên đầu xuống sông.
Cái nón là quà sinh nhật nó thích nhất nên nó không màng nguy hiểm nhảy luôn xuống sông muốn vớt cái nón lên. Nào ngờ lúc bơi vào bờ chân bị chuột rút, nó chới với kêu cứu và người nhảy xuống sông vớt nó lên chính là mụ điên.
“Dì ăn cơm chưa?”
“Nếu dì vẫn chưa ăn cơm thì cầm lấy ăn đi. Con đãi dì bữa cơm, dì cho con chụp vài tấm ảnh của dì nhé”.
Mụ đưa tay nhận lấy hộp cơm tôi đưa rồi liên tục nói cảm ơn mà không nói thêm lời nào khác. Tôi đoán, có lẽ mụ cũng không hiểu tôi đang trao đổi điều kiện gì với mụ.
Và tôi cũng chỉ nói vậy, cho dù mụ không cho tôi chụp ảnh, tôi cũng biếu mụ hộp cơm đùi gà. Tôi đưa máy ảnh lên hướng về người phụ nữ đang ngồi ăn cơm. Thỉnh thoảng ngước nhìn tôi cười ngây dại. Tôi cũng mỉm cười đáp lại mụ...