“Con gái không nên học nhiều”
Vào một ngày cuối tuần, sau khi đã vượt hơn 100km đường rừng với nhiều đèo dốc ngoằn nghèo, nhiều đoạn đá lởm chởm, chúng tôi cùng đoàn công tác của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh đã đến được buôn Plao Siêng, xã Ea R’Bin (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) để vận động học sinh đến trường.
Tại đây, đập vào mắt chúng tôi là những khóm (cụm) dân cư thưa thướt của người Mông nằm xen giữa cánh đồng và triền đồi. Cứ khoảng 3 đến 5 căn nhà thành một khóm quây quần, sinh sống theo quan hệ họ hàng, gần gũi với nhau.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà đơn sơ của gia đình, em Vừ Thị Sanh (SN 2006), hiện đang học lớp 10, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh vừa xúc động, vừa rưng rưng nước mắt kể: “Mẹ em bảo, con gái học xong lớp 9 là được rồi. Giờ ở nhà phụ giúp mẹ đồng áng, rồi lấy chồng. Chứ học nhiều cũng không có ích gì đâu”.
Theo thông tin của chính quyền địa phương, mẹ em là Lý Thị Pà (SN 1984), có 2 đời chồng, cả 2 đều mất vì bạo bệnh, còn bệnh gì thì không ai biết. Nhà có 6 chị em, Sanh là con thứ 3. Trước em có 2 chị gái (con chồng đầu - PV) đã đi lấy chồng, anh trai thì đang đi làm thuê ở Gia Lai. 3 đứa em của Sanh thì có 2 em đang học tiểu học và 1 em học mẫu giáo.
“Xóm em có 3 nhà, 2 nhà bên cạnh là họ hàng, còn nhà em thì không có họ hàng. Mùa này đang thu hoạch khoai lang, mẹ em và nhóm chị em nhận khoán thu hoạch cho người ta để lấy tiền mua gạo, chứ cả nhà có 4 sào ruộng thì không đủ để ăn. Mà canh tác thì năm được, năm mất vì phụ thuộc vào thời tiết. Mấy đứa em tranh thủ ngày nghỉ học, đang theo mẹ đi nhặt những củ khoai nhỏ bị sót lại. Em xin mẹ cho về sớm để đón thầy cô”, Sanh bùi ngùi kể.
Theo quan sát, trong nhà Sanh, hầu như không có vật dụng gì đáng giá, ngay cả cái giường để nằm hay bàn ghế để học bài cũng không có. Muốn học, các em phải nằm bò ra giữa sàn nhà mà đọc, mà viết.
Theo thầy Bùi Quang Định – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, do em Sanh ở quá xa trường hơn 40km, sau khi vào lớp 10 lại đúng lúc dịch Covid-19 bùng phát, mọi thông tin về em chúng tôi đều nhờ cô Hồng (giáo viên dạy cấp 2 của Sanh) hỗ trợ.
“Sanh là nữ học sinh người Mông duy nhất và đầu tiên được đi học cấp THPT của buôn này. Sau khi biết được hoàn cảnh éo le của em, Chi bộ Đảng, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo các đoàn thể và giáo viên tìm hiểu, hỗ trợ em trong sinh hoạt, học tập tại trường. Dù không có sổ hộ khẩu để hưởng chế độ ăn uống tại khu bán trú, nhưng bộ phận cấp dưỡng vẫn hỗ trợ đầy đủ các suất ăn cho em. Hôm nay chúng tôi đến đây để động viên mẹ em tiếp tục cho em đi học, vì trước đó em báo là mẹ bắt em phải nghỉ học”, thầy Định chia sẻ.
Gạt vội dòng nước mắt vì xúc động, cũng có thể vì em cảm nhận được sự “bất bình đẳng" nam – nữ9 trong quan niệm của gia đình, Sanh xin phép thầy cô xuống rửa những củ khoai mới nhặt được ở cánh đồng trước nhà, để kịp lo bữa trưa cho mẹ và các em.
Theo Sanh, những củ khoai này ngoài việc để gia đình ăn khi hết gạo, còn để nuôi lợn, gà. Vì không có nhiều đất, nên mẹ yêu cầu chúng em đi nhặt khoai còn sót lại về dùng cho gia đình.
Nhìn động tác kéo gàu múc nước, thoăn thoát rửa những củ khoai với đủ kích cở, thành phần, nhiều củ bị hà, bị rím, bị lưỡi cày cắt nham nhở… khiến chúng tôi không khỏi xót xa.
Vượt “định kiến” - nuôi ước mơ làm bác sĩ
Theo cô Phạm Thị Hồng, giáo viên cũ của Sanh (người chắp cánh cho nghị lực “vượt rào” của Sanh), đây là một học sinh nữ luôn nỗ lực để vượt lên hoàn cảnh của bản thân và gia đình.
“Em là một học sinh giỏi và rất chăm ngoan. Luôn ao ước được đi học và thực hiện ước mơ làm bác sĩ, vì bố em mất sớm mà không biết mắc bệnh gì. Dù trong làng quan niệm, con trai thì được đi học, còn con gái thì học đến lớp 9 là được rồi. Nhưng Sanh vẫn đấu tranh, tìm mọi cách để xin mẹ đi học cấp 3”,8 cô Hồng thông tin.
Cũng theo cô Hồng, ngay từ khi học lớp 9, em cũng đã nhiều lần tâm sự với mình và khóc. Mẹ em vì quá cực, có lúc đã bảo em nghỉ học để phụ làm thuê cùng mẹ. Sau nhiều lần đến trực tiếp khuyên nhủ, mẹ đã đồng ý cho e đến trường học tiếp.
“Lúc còn lớp 9, mới 4 giờ sáng, em đã dậy nấu cơm, dọn dẹp để đến trường, các buổi không học em lại đi lấy măng hoặc ai kêu gì làm nấy. Em làm tất cả mọi việc để giúp mẹ. Vất vả, khó khăn nhưng em luôn luôn dẫn đầu lớp…”, cô Hồng xúc động kể.
Được biết, để giúp cho cô học trò bé nhỏ quả mình nuôi dưỡng ước mơ đến trường, cô Hồng cùng đại diện Trường THPT Nguyễn Chí Thanh đã đến động viên mẹ Sanh. Đồng thời, nhờ cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương xuống vận động gia đình. Bản thân cô Hồng cũng kêu gọi thầy cô giáo, mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí để Sanh có điều kiện được tiếp tục đi học.
Khi được hỏi, vì sao em khao khát được đi học như vậy, Sanh khẳng định: “Em sẽ cố gắng học để sau này giúp mẹ cũng như người dân hiểu về quyền bình đẳng giới. Giúp mọi người thay đổi quan niệm để cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Hiện tại, mẹ em đã đồng ý để em tiếp tục đến trường, nhưng với hoàn cảnh hết sức khó khăn, một mẹ phải nuôi 4 đứa con ăn học, trong khi đất sản xuất ít ỏi. Cộng thêm khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Ít ai dám chắc, một ngày không xa, mẹ em sẽ bắt em phải bỏ học, bỏ luôn giấc mơ thay đổi số phận của chính mình và những người dân nơi đây.
Chính vì vậy, để cho Sanh tiếp tục đến trường, theo đuổi ước mơ cao đẹp “trở thành bác sĩ để cứu người, để thay đổi “định kiến” bất bình đẳng nam – nữ ở nơi đây. Rất mong bạn đọc và mạnh thường quân chung tay hỗ trợ.
Mọi sự ủng hộ xin gửi về:
Văn phòng đại diện thường trú báo Giáo dục và Thời đại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên
Địa chỉ: Số 2, ngõ 5 đường Nguyễn Biểu, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
Hotline: 088 668 1688
Hoặc chuyển khoản:
Tên tài khoản: VPDD THUONG TRU BAO GD VA TD KHU VUC BTB
Số tài khoản: 111601684999
Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Hà Tĩnh.
(Lưu ý: Để tránh nhầm lẫn, bạn đọc ủng hộ nhân vật vui lòng ghi rõ: Ủng hộ mã số MTTN 01)