Chúng ta biết: Đánh giá định kì là đánh giá kết quả giáo dục của học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện, nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh so với chuẩn kiến thức, kĩ năng quy định trong chương trình giáo dục phổ thông. Thông thường, các nhà trường, các phòng giáo dục/ sở giáo dục sẽ tổ chức đánh giá định kì về học tập vào giữa/cuối học kì, cuối năm học.
Như vậy, chức năng của đánh giá định kì đã rõ. Thế nhưng thực tế lâu nay, nó đã gây ra khá nhiều “tội lỗi” cho nền giáo dục, có thể kể đến một vài “lỗi” như sau:
1. Khiến cho giáo viên, phụ huynh, học sinh… quá chú trọng. Thành ra “thi gì học nấy”. KHÔNG COI TRỌNG CẢI TỔ QUÁ TRÌNH DẠY HỌC.
Ma trận đề thi thế nào, kiểu đề thi thế nào… thì người ta sẽ “làm quen”, “ôn luyện”… để cho bằng được kết quả tốt. Nếu không cá nhân thì bị điểm kém, mà chất lượng của lớp/ của trường không cao thì “tội đâu cho thoát”(?).
Ngành Giáo dục kêu gọi “đánh giá quá trình học tập”, tức là giáo viên phải dựa vào quá trình học của học sinh mà đánh giá, để “xác nhận kết quả học tập hoặc sự tiến bộ của học sinh (cá nhân)”, nhưng cái định kì nó “dẫn hướng hết cả”. Trong khi đó, đề thi đánh giá định kì lại được ra theo kiểu “chuyên gia”, tức là: Cá nhân/ tập thể nhóm các giáo viên được cho là có chuyên môn hơn sẽ ra đề. Kiểu ra đề này không thể bám sát được vào quá trình học của mỗi lớp học, phạm vi cũng khó có thể bao quát hết “chuẩn”. Nên kiểu gì cũng gây ra “tủ” dù khách quan đến đâu.
Chưa tính đến chuyện kể cả chuẩn “kiến thức” nhưng bối cảnh thay đổi (đề không sai về mặt nội dung, kiến thức vẫn nằm trong chương trình, nhưng dạng đề hơi mới, các trường chưa được tập huấn, làm quen) thì phản xạ, kết quả đã khác. Xảy ra điều ấy thì cần nhất là cải thiện quá trình dạy, chứ không phải “có đề thi minh họa” thì dạy sẽ khác!!!
Việc này tôi đã có một nghiên cứu tại một trường có uy tín ở Hà Nội. Đây là một trường có văn hóa trường học cao, lại rất quan tâm đến chuyên môn. Nên đánh giá của họ, tôi cho là minh bạch. Nhưng cùng với tôi, khi áp dụng phân tích đề: Độ khó, độ tin cậy của đề, họ mới nhận ra: Rất nhiều trong những câu họ cho rằng “khó” thì lại có độ khó “thấp” tức là nhiều học sinh làm ngon ơ!!! Vì sao, vì câu đó đã quá quen thuộc với học sinh đó. Thế còn câu ở mức nhận biết, cũng không ít học sinh không làm, chỉ bởi: Em không thèm học.
2. Gây nhầm lẫn thành “đánh giá phân loại/ tuyển chọn”.
Ở nhiều địa phương, người ta phát ngôn “theo chỉ đạo của…, chúng tôi lâu nay tổ chức đánh giá định kì là để đánh giá mặt bằng chất lượng chung của học sinh”. Chẳng hạn: “Đây là năm cuối cấp THCS và học sinh sẽ phải dự thi tuyển sinh vào lớp 10 theo đề thi chung của tỉnh/ thành phố. Do vậy, nếu để mỗi trường tự ra đề thì có thể mức độ đề khác nhau sẽ không phản ánh được sát thực chất lượng chung”.
Nhưng xin các vị phát biểu như trên xem lại. Trước hết, đây không phải kì thi có tính tuyển chọn. Chất lượng các vị muốn biết, thì phải dựa vào cả quá trình. Trong trường hợp này có phải mục tiêu giáo dục THCS là đạt CHUẨN vào lớp 10 hay không? Công tác phân luồng sẽ ra sao? Những học sinh không muốn vào lớp 10 được đánh giá thế nào, chất lượng của việc đó ra sao? Có vị sẽ nói lại rằng có nhiều kênh khác để làm, nhưng hãy xem lại mục 1 ở trên, và nhất là thực tiễn dạy và học hiện nay để thấy rằng nhận định tôi nêu ra là có thật.
Xin dẫn lại rằng: “Bất kỳ một quá trình giáo dục nào mà một con người tham gia cũng nhằm tạo ra những biến đổi nhất định trong con người đó. Muốn biết những biến đổi đó xảy ra ở mức độ nào phải đánh giá hành vi của người đó trong một tình huống nhất định. Việc đánh giá cho phép chúng ta xác định, một là mục tiêu giáo dục được đặt ra có phù hợp hay không và có đạt được hay không, hai là việc giảng dạy có thành công hay không, học viên có tiến bộ hay không”.
Tôi được biết, từ năm 2014, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chọn “tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí về công tác kiểm tra, đánh giá” và từ những năm sau đó, các chỉ đạo giáo dục phổ thông xoay quanh “đổi mới đồng bộ phương pháp, kiểm tra đánh giá”. Lần này, chuẩn bị cho Chương trình GD phổ thông 2018, chúng ta đang có cơ hội làm đúng, làm mới.
Vì thế, tôi rất hy vọng, sự đổi mới của chúng ta không bị lặp lại ở những việc: Tập huấn, bồi dưỡng cho “có” với những lớp đông người nhưng quá ngắn về thời gian hoặc chỉ tập huấn lí thuyết mà không có “thực địa”… vì có thể sẽ dẫn tới địa phương nào cũng có quan tâm, có bộ phận về “kiểm định chất lượng/ khảo thí” và các giáo viên không hẳn là không hiểu gì về “đánh giá” nhưng chúng ta vẫn cứ nói “lâu nay”.