Hướng dẫn yêu cầu các trường thực hiện tốt nội dung, chương trình theo kế hoạch quy định. Tổ chức ôn tập, bồi dưỡng và kiểm tra, đánh giá đảm bảo chính xác, khách quan nhằm phản ánh đúng chất lượng dạy và học của các nhà trường.
Đánh giá định kì cuối học kì I bằng bài kiểm tra đối với các môn học: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc.
Hiệu trưởng trường tiểu học chịu trách nhiệm chỉ đạo việc kiểm tra định kì, đề kiểm tra định kì phù hợp với chuẩn kiến thức, kĩ năng và định hướng phát triển năng lực, gồm các câu hỏi và bài tập và được thiết kế theo 4 mức độ được quy định tại điểm c, mục 2, Điều 10 Thông tư số 22.
Sở GD&ĐT giới thiệu khung ma trận đề kiểm tra định kì môn Tiếng Việt, môn Toán thiết kế theo 4 mức độ. Trên cơ sở khung ma trận, các đơn vị vận dụng dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế; đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh.
Sau khi tổ chức kiểm tra định kì học kì I, Sở GD&ĐT đề nghị các phòng GD&ĐT Thành phố, Phù Yên mỗi đơn vị chọn 5 đề kiểm tra định kì học kì I của môn Tiếng Việt và Môn Toán từ lớp 1 đến lớp 5 (Thành phố 2 trường, Phù Yên 2 trường) gửi về Sở trước ngày 30/1/2017.
Về tổ chức kiểm tra: Hiệu trưởng chỉ đạo tổ chuyên môn ra đề kiểm tra cho cả khối đối với các môn thực hiện kiểm tra định kì.
Bài kiểm tra của học sinh được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10 điểm, không cho điểm không, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Điểm của bài kiểm tra định kì không dùng để so sánh học sinh.
Nếu kết quả của bài kiểm tra cuối học kì có kết quả bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá kết quả học tập của học sinh.