Một thời nhà giáo đi B

GD&TĐ - Khởi đầu từ một ngôi làng ở Quảng Bình, bằng lối mòn len lỏi xuyên dải rừng già Trường Sơn, qua bao nhiêu dốc đèo sông suối hiểm trở, các nhà giáo đi B vượt Trường Sơn vào Nam công tác.

Thầy trò trong chiến tranh
Thầy trò trong chiến tranh

Với hành trang là ba lô con cóc chứa những cuốn giáo án… đối mặt với hiểm nguy rình rập như bao người lính khác là các cơn sốt rét ác tính, thám báo, biệt kích, bom mìn.

Từ năm 1961 đến cuối năm 1973 đã có 10 chuyến đi B của gần 3.000 thầy cô giáo như vậy, họ đến từ trường phổ thông, giảng đường đại học ở Hà Nội và các tỉnh, thành miền Bắc.

Họ được giao nhiệm vụ ra R mở trường, lớp, vận động người dân đi học và cũng kiêm cả nhiệm vụ cầm súng chống càn, phá vây. Chiến tranh đã lùi xa, non sông về một mối nhưng hình ảnh những nhà giáo đi B vẫn còn đậm sâu trong tâm trí nhiều người.

Mang chữ ra R

Trong số đó nhiều người tuổi đời còn rất trẻ vừa tốt nghiệp đại học, nhưng cũng có những nhà giáo ở tuổi bốn, năm mươi đã có thâm niên và thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, giảng dạy. Cũng có những thầy cô giáo quê gốc miền Nam, ra Bắc, “đi B” là lúc “trở lại quê nhà".

Trong số các thầy cô có dịp ngược trở vào Nam có thầy Nguyễn Đức Siêu quê Hoài Nhơn (Bình Định). Giữa năm học 1960 - 1961, thầy Siêu - Giáo viên cấp II ở thành phố Nam Định - được triệu tập về Hà Nội để nhận nhiệm vụ mới, lên đường đi B theo sự điều động của Ban Tổ chức Trung ương.

Thời kỳ đầu, bình thường một chuyến đi phải mất bốn tháng mới đến điểm tập kết về Tiểu ban Giáo dục R (gọi tắt là B3) nhận nhiệm vụ. Nhưng cũng hành trình ấy, không phải đoàn nào cũng đến đích đúng lịch, có đoàn phải hơn một năm mới tới nơi.

Các thầy, cô được phân công về địa bàn mở lớp, vận động quần chúng đi học giảng dạy. Họ cũng kiêm luôn cả nhiệm vụ cầm súng chiến đấu, chống càn, phá vây, thực hiện "ba cùng" với nhân dân các xóm ấp.

Tiểu ban Giáo dục R được thành lập tháng 10/1962, có chức năng làm tham mưu cho Trung ương Cục miền Nam, đề xuất chủ trương, đường lối, nhiệm vụ công tác giáo dục cách mạng từng thời điểm cụ thể và cả định hướng lâu dài.

Trên chiến khu ẩn hiện những mái trường lợp lá dừa nước, học sinh là trẻ em, người lớn, thầy cô giáo là những thầy giáo, cô giáo với những cuốn sách giáo khoa, những tài liệu giáo dục biên soạn và in ấn dưới ngọn đèn cầy và ánh hỏa châu.

Hội đồng sư phạm họp giữa 2 trận càn, trong căn hầm tránh bom B52, ánh lửa ấm cúng trong bữa cơm chiều bên bếp Hoàng Cầm. Lương thực được tăng cường từ những nương rẫy trồng mì, cá suối, rau rừng vẫn còn đậm sâu trong tâm thức của các nhà giáo từng một thời ở “Tiểu ban Giáo dục R”.

Rất nhiều nhà giáo đến từ 2 miền Nam, Bắc đã hy sinh trước ngày đất nước thống nhất, để lại những dòng tên khắc trên tấm bia tưởng niệm các nhà giáo liệt sĩ được xây dựng trên đồi 82 Tây Ninh.

Đó là thầy giáo Nguyễn Đức Siêu lên đường từ Nam Định, đi B ngày 22/5/1961, hy sinh ngày 23/3/1967, tại Đắk Lắk. Đó là cô Lê Bạch Cát, quê Nghi Thủy (Nghi Lộc, Nghệ An), vừa tốt nghiệp Đại học TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh), nhận công tác tại B3 hy sinh năm 1968, tại Sài Gòn trong tổng tiến công Mậu Thân.

Đó là thầy Huỳnh Phương, quê Hội An (Quảng Nam), tốt nghiệp khoa Sinh Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đi B ngày 20/12/1964, hy sinh ngày 30/10/1972 tại tỉnh Bà Rịa…

Chính họ là những dấu son tô điểm phẩm chất người thầy của nền giáo dục Việt Nam hiện đại.

Một lễ khai giảng năm học 1972 - 1973
Một lễ khai giảng năm học 1972 - 1973

Vàng son những tấm lòng

Khi nhận giấy báo đi B từ Bộ Giáo dục năm 1971, thầy giáo Nguyễn Công Thiêm (nguyên giáo viên trường học sinh miền Nam trên đất Bắc), nhớ lại cảm giác khi đó:

Đã hơn 40 tuổi, hơn 20 năm đứng trên bục giảng. Tôi xác định phải hoàn thành nhiệm vụ của Đảng giao, việc dạy chữ cho học sinh thì ở chiến khu hay hậu phương cũng là nghĩa vụ dạy chữ của người thầy, có chết cũng phải lên đường.

Qua 3 tháng tập luyện, thầy giáo Thiêm được cử vào Cà Mau hoạt động, ông vừa dạy chữ cho học sinh nhưng cũng đồng thời làm nhiệm vụ chiến đấu như các chiến sĩ khác.

Thầy giáo Phạm Đình Minh (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng), sinh 1942, ở phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân. Trước khi đi B, thầy Minh đã có 6 năm công tác, giảng dạy tại các trường cấp 3, Trường Sư phạm Hải Dương.

Theo tiếng gọi của Tổ quốc, thầy đã tình nguyện viết đơn xin đi B, được bổ sung vào đoàn cán bộ Giáo dục - Y tế đi B. Ngày 5/3/1969, cùng các thầy cô giáo khoác ba lô trên vai bước vào chiến trường B với mong muốn: “Chúng tôi muốn góp một phần sức lực của mình vào công cuộc giải phóng miền Nam.

Tuy là nhà giáo, là các y, bác sĩ, vũ khí của chúng tôi là cây bút, mũi tiêm, nhưng chúng tôi đều xác định rõ vào chiến trường làm nhiệm vụ của người lính xung trận. Dù biết cái chết luôn cận kề, sự hi sinh, gian khổ là điều không thể tránh khỏi nhưng không một ai đắn đo”, thầy Minh chia sẻ.

Thầy giáo Nguyễn Văn Tài (Dầu Tiếng, Thủ Dầu Một – nay là tình Bình Dương) là 1 trong 3 nhà giáo đầu tiên của Tiểu ban Giáo dục R tỉnh Thủ Dầu Một, nhớ lại: Đầu năm 1965, hiện thực hóa chủ trương của trên phát triển phong trào giáo dục toàn tỉnh vì vùng giải phóng của ta được mở rộng.

Các giáo viên R, ngoài việc dạy chữ cho cán bộ, đối tượng học còn được mở rộng ra cả con em nhân dân. Để thực hiện, tiểu ban đã tập hợp đội ngũ giáo viên, tổ chức đào tạo lại.

Năm 1966, tất cả cán bộ tập trung xuống các xã vận động xây dựng trường lớp và bồi dưỡng giáo viên. Thời điểm này trường lớp phát triển mạnh ở nhiều vùng giải phóng như Thanh Tuyền, Thanh An, An Tây, Phú An, An Điền, Long Nguyên, Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi. 

Các trường có từ 1 - 3 lớp được xây dựng công khai, phân tán nhỏ hoặc bán công khai, nửa kín nửa hở dưới những tán cây lớn hoặc xây dựng bí mật, có đào hầm giao thông tránh bom đạn.

Các giáo viên của Tiểu ban Giáo dục tỉnh đã về Tiểu ban Giáo dục Trung ương Cục R mượn tài liệu, sách giáo khoa từ miền Bắc gửi vào tái bản và phát hành cho các trường.

Phong trào giáo dục giữa vùng địch hậu như tỉnh Thủ Dầu Một phát triển mạnh, nhiều trường lớp bị phá hủy. Giặc vây ráp, máy bay trực thăng quần đảo, thầy trò chạy tán loạn, giặc rút lớp học lại hoạt động bình thường.

Đã có 29 nhà giáo và cán bộ ngành Giáo dục hy sinh để những lớp học sáng đèn trong lòng địch hậu. Có thể kể đến những tấm gương hy sinh anh dũng như thầy giáo Lâm Thanh Đáo vừa dạy học, vừa cầm súng đánh giặc, thầy bị giặc bắt trong lúc tham gia chiến đấu, giữ vững khí tiết của người cách mạng, không moi được thông tin gì từ thầy, giặc đã cột ông vào xe tăng và kéo đi cho đến chết.

Hy sinh, gian khổ không thui chột ý chí cách mạng của các thầy cô giáo, vượt lên tất cả, các thầy cô vẫn duy trì và phát triển giáo dục trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt.

Không thể kể hết những tấm gương anh dũng hy sinh, những ký ức vàng son của một giai đoạn lịch sử hào hùng, mà những người thầy với tinh thần yêu nước nồng nàn, tay súng tay bút chiến đấu chống diệt giặc dốt, vẫn hiên ngang mở trường, mở lớp, vận động con em nhân dân đi học.

Họ không màng danh lợi cá nhân “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh…” sẵn sàng hy sinh xương máu, tuổi xuân, có người vừa cầm bút vừa cầm súng, có người không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng tất cả đều không quản hiểm nguy, gian khó bám trường, bám lớp.

Chính họ là những tảng đá nền kê chân để tạo dựng, là những bằng sắc để minh chứng, và cũng là những nét vàng son chấm phá nên vẻ đẹp ngời sáng của những nhà giáo cách mạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.